Có khoảng 70.000 giáo viên tư vấn tâm lý cần được bồi dưỡng trong 2 – 3 năm tới

Theo Thanhtra|24/04/2018 01:29
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Tại hội thảo “Đào tạo chuyên gia tham vấn học đường trong bối cảnh 4.0” do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 23/4, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết có khoảng 70.000 giáo viên tư vấn tâm lý cần được bồi dưỡng trong 2 – 3 năm tới.

Ảnh minh họa

20% học sinh tổn thương sức khỏe tâm thần phải trị liệu

Việt Nam đang trong thời kỳ quá độ tiến gần đến xã hội công nghiệp vào năm 2020, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập đã tác động đến mọi tầng lớp xã hội, trong đó tác động mạnh mẽ nhất nhằm vào giới trẻ, đặc biệt là học sinh (HS), sinh viên (SV) ở các bậc phổ thông cũng như ĐH.

Ông Nguyễn Đức Huy – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, công nghệ thông tin và mạng xã hội đã tác động đến đời sống tinh thần nói chung và tâm lý nói riêng đối với HS, SV.

Số liệu khảo sát của Bộ GD&ĐT tại Hà Nội và tỉnh Hải Dương cho thấy khoảng 80% các em học sinh có những vướng mắc cần chia sẻ, mong muốn có một không gian riêng tư ở trong trường để nói ra và tìm giải pháp cho những vấn đề của bản thân.

Nghiên cứu dịch tễ trên 7 tỉnh phía Bắc của cán bộ Trường ĐH Giáo dục cũng cho thấy, khoảng 20% các em học sinh có tổn thương sức khỏe tâm thần tới mức phải can thiệp trị liệu.

Ông Huy nhấn mạnh: Thực trạng xã hội cho thấy, các dịch vụ giáo dục như tham vấn hướng nghiệp, tham vấn khủng hoảng học đường, tham vấn sức khỏe tâm thần trường học… đã và đang trở thành nhu cầu cấp bách.

Về vấn đề này, mặc dù Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản, tuy nhiên, ông Huy cho rằng, hạn chế lớn trong thực tiễn triển khai công tác tham vấn – tư vấn học đường thời gian qua chính là nguồn nhân lực có đủ trình độ và kỹ năng.

Hầu hết trường học chưa có cán bộ chuyên trách

Ông Huy nêu thực trạng: Hiện tại, hầu hết các trường chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác tham vấn tâm lý. Đội ngũ làm công tác tham vấn tâm lý trong nhà trường chủ yếu là giảng viên một số chuyên ngành như Luật, Tâm lý, Ngữ văn, Giáo dục công dân; một số khác là giáo viên dạy Lịch sử, Địa lý hay cán bộ chuyên trách tại các phòng công tác HS, SV, đoàn thanh niên, hội SV tham gia… Ông Huy khẳng định, thực tế trên làm hạn chế năng lực tham vấn tâm lý.

Theo ông Bùi Văn Linh – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HS, SV (Bộ GD&ĐT): Hiện nay, với Thông tư 31/2017, Bộ GD&ĐT đã chọn giải pháp thành lập tổ tư vấn tâm lý tại mỗi trường học. Các giáo viên này phải có chứng chỉ nghiệp vụ tư vấn học đường do Bộ GD&ĐT ban hành và được giảm 3 – 4 tiết/tuần.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý, đây mới là giải pháp “chữa cháy”, trong điều kiên thực tế hiện nay chưa có đội ngũ chuyên viên tư vấn học đường chuyên nghiệp.

Thực tế, không chỉ HS, mà thời gian qua có cả những giáo viên chịu áp lực về tâm lý (cả học kỳ không giảng bài vì lo sợ HS ghi âm), vì vậy, cũng cần có những tư vấn tâm lý để họ yên tâm công tác.

Ông Bùi Văn Linh cho biết, hiện cả nước có 14.000 trường phổ thông, mỗi trường cần có 5 giáo viên tư vấn tâm lý. Như vậy, chúng ta có khoảng 70.000 giáo viên tư vấn tâm lý cần được bồi dưỡng trong 2 – 3 năm tới.

“Bộ GD&ĐT đã giao cho Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam xây dựng chương tình bồi dưỡng giáo viên tâm lý. Các cơ sở đào tạo được giao trách nhiệm đào tạo như ĐH Giáo dục, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh… phải nộp hồ sơ thẩm định nếu đạt yêu cầu, Bộ GD&ĐT sẽ cho phép đào tạo giáo viên tâm lý”, ông Bùi Văn Linh thông tin.

Theo Thanhtra


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có khoảng 70.000 giáo viên tư vấn tâm lý cần được bồi dưỡng trong 2 – 3 năm tới