(Moitruong.net.vn) – Tại vùng đồng bằng Bắc Bộ nước được phân thành 2 tầng nước chính, tầng chứa nước Holocene nằm ở phía trên và tầng Pleistocene nằm ở phía dưới. Kết quả quan trắc tài nguyên nước dưới đất tại vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Sơ đồ diễn biến mực nước năm 2017 tầng Holocene
Tầng chứa nước Holocene (qh)
Diễn biến mực nước dưới đất năm 2017, mực nước trung bình tháng trên toàn đồng bằng có xu thế biến động không đáng kể từ tháng 1 đến tháng 5, sang tháng 6 dâng cao dần đạt đỉnh vào tháng 9, tuy nhiên từ tháng 10 đến tháng 12 mực nước hạ thấp mạnh. Mực nước trung bình năm 2017 có xu thế dâng là chính so với năm 2016. Giá trị hạ thấp nhất là 1,07m tại tại phường Phương Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội (Q.65) và dâng cao nhất là 0,90m tại P. Tứ Liên, Q. Tây Hồ, TP.Hà Nội (Q.67).
Trong năm 2017, mực nước trung bình năm nông nhất là 0,18m tại xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội (Q.58) và sâu nhất là 10,32m tại phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội (Q.67). Mực nước trung bình năm 2017 cao hơn so với năm 2016 trung bình là 0,05m, giảm so với trung bình nhiều năm là 0,37m. Giá trị trung bình tháng năm 2017 hạ thấp nhất so với trung bình nhiều năm là 3,05m vào tháng 3 và giá trị trung bình tháng dâng cao nhất là 1,58 vào tháng 9.
Dự báo nguy cơ xâm nhập mặn, theo kết quả phân vùng mặn nhạt trên cơ sở 1720 điểm chất lượng nước (trong đó có 41 lỗ khoan quan trắc quốc gia năm 2017; 37 lỗ khoan mạng Hà Nội; 9 lỗ khoan quan trắc mạng Nam Định; 11 lỗ khoan quan trắc mạng Hưng Yên; 1431 mẫu đo EC ở các giếng khoan và giếng đào ở Thái Bình và lỗ khoan điều tra khảo sát giai đoạn trước) chỉ ra: vùng phân bố nước nhạt (TDS < 1g/l) có diện tích 6.819km2 chiếm 59,5% diện tích TCN; vùng phân bố nước mặn có diện tích 4.633km2 chiếm 40,5% diện tích TCN với độ khoáng hóa thay đổi từ 1,01g/l đến 14,20g/l. Kết quả dự báo bằng mô hình tới năm 2022 cho thấy chỉ có một diện tích rất nhỏ vùng nước nhạt có nguy cơ bị nhiễm mặn chiếm 0,4% diện tích vùng phân bố nước nhạt tập trung ở các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình.
Tầng chứa nước Pleistocene (qp)
Diễn biến mực nước dưới đất năm 2017, mực nước trung bình tháng trên toàn đồng bằng có xu thế biến động không đáng kể từ tháng 1 đến tháng 5, sang tháng 6 dâng cao dần đạt đỉnh vào tháng 9, tuy nhiên từ tháng 10 đến tháng 12 mực nước hạ thấp mạnh. Mực nước dưới đất năm 2017 có xu thế hạ thấp là chính so với năm 2016, giá trị hạ thấp nhất là 1,79m tại phường Phú Lãm, quận Hà Đông, TP. Hà Nội (Q.69a) và dâng cao nhất là 1,77m tại xã Vân Hội, huyện Tam Dương, Tỉnh Vĩnh Phúc (Q.4).
Trong năm 2017, mực nước nằm nông nhất là 0,52m tại phường Lê Hồng Phong, TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam (Q.82a) và sâu nhất là 29,26m tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội (Q.63aM). Mực nước trung bình năm 2017 có xu thế thấp hơn là chính so với năm 2016 trung bình là 0,15m. Mực nước trung bình năm 2017 trên toàn đồng bằng luôn ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm và giá trị chênh trung bình là 1,56m. Mực nước trung bình năm 2017 giảm hơn so với năm 2016 trung bình là 0,15m, giảm so với trung bình nhiều năm là 1,33m. Giá trị trung bình tháng năm 2017 hạ thấp nhất so với trung bình nhiều năm là 7,42m vào tháng 5 và giá trị trung bình tháng dâng cao nhất là 6,20 vào tháng 9.
Dự báo nguy cơ xâm nhập mặn, kết quả phân vùng mặn nhạt trên cơ sở 2314 điểm chất lượng nước (trong đó có 62 lỗ khoan quan trắc năm 2017; 76 mẫu đo EC ở Nam Định; 60 lỗ khoan mạng Hà Nội; 9 lỗ khoan quan trắc mạng Nam Định; 14 lỗ khoan quan trắc mạng Hưng Yên; 1901 mẫu đo EC ở Thái Bình; 191 lỗ khoan điều tra khảo sát giai đoạn trước) chỉ ra: vùng phân bố nước nhạt (TDS < 1g/l) có diện tích 8.920km2 chiếm 71,35% diện tích TCN; vùng phân bố nước mặn có diện tích 3.582km2 chiếm 28,65% diện tích TCN với độ khoáng hóa thay đổi từ 1,01g/l đến 14,20g/l. Kết quả dự báo bằng mô hình tới năm 2022 cho thấy chỉ có một diện tích rất nhỏ vùng nước nhạt có nguy cơ bị nhiễm mặn chiếm 7,15% diện tích vùng phân bố nước nhạt và 5,1% diện tích TCN tập trung ở các tỉnh Hải Phòng và khu vực rìa đá gốc ở Ninh Bình.
Thiên Bình