Kinh tế tuần hoàn

Việt Nam cần chuyển từ tăng trưởng theo số lượng sang tăng trưởng theo chất lượng

Lan Hạ 16/07/2025 11:00

Kinh tế Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng tương đối cao và ổn định từ năm 1986 đến nay. Tuy nhiên, trong suốt thời gian này, Việt Nam chưa từng đạt mức tăng trưởng 10%/năm, vì thế cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ tăng trưởng theo số lượng sang tăng trưởng theo chất lượng.

Theo TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới, về thu hút FDI, Việt Nam cần ưu tiên vốn đầu tư công nghệ cao, thân thiện môi trường, có khả năng lan tỏa sang khu vực trong nước. Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực để kết nối tốt hơn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Các mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian qua đang bộc lộ nhiều hạn chế, chưa thật vững chắc. Trước thực tiễn đó, đặt ra yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới.

Tại Diễn đàn Xác lập mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam giai đoạn 2026 - 2030, định hướng đến năm 2045 do Viện Kinh tế Việt Nam và thế giới (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tổ chức sáng 15/7, tại Hà Nội, các chuyên gia đánh giá, mô hình tăng trưởng kinh tế thời gian qua đang phát triển luôn theo xu hướng từ chiều rộng sang chiều sâu, chất lượng tăng trưởng được nâng cao. Cùng với việc cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện ba đột phá chiến lược đã đưa năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế có bước cải thiện.

Không còn đói nghèo nhưng chưa giàu mạnh

Tuy nhiên, các mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian qua cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém như việc phát triển chưa thật vững chắc, năng suất lao động chậm được cải thiện, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế còn thấp; chưa phát huy được lợi thế so sánh và tận dụng các điều kiện hội nhập quốc tế; đầu tư công dàn trải, thất thoát, lãng phí,…Trước thực tiễn đó, đặt ra yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng kinh tế.

kinht.jpg
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng liên tục với tốc độ trung bình trên 6%/năm trong hơn ba thập kỷ, xuất nhập khẩu thuộc nhóm 25 nước có kim ngạch thương mại hàng đầu thế giới

Nhận xét tăng trưởng kinh tế Việt Nam “không trì trệ nhưng cũng không bứt phá, không còn đói nghèo nhưng chưa giàu mạnh”, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - TS. Đặng Xuân Thanh cho biết, dù có những bước tiến, nhưng đây là dấu hiệu của bẫy thu nhập trung bình, tình trạng chung của hơn 100 quốc gia đang phát triển trên thế giới chưa thể vượt qua.

“Trong bối cảnh thế giới đầy biến động và nhiều rủi ro như hiện nay, mô hình tăng trưởng phải được thiết kế như một cấu trúc phức hợp đa chiều, bao gồm cả yếu tố xã hội, môi trường, thậm chí cả địa chính trị… cần tính toán đến những nhân tố đang tái định hình bối cảnh phát triển. Cụ thể là chuyển đổi số và kinh tế dữ liệu, robot và trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra những chuỗi giá trị, kiểm soát dữ liệu, chuyển đổi xanh và cam kết mục tiêu phát triển bền vững, buộc các nền kinh tế phải chuyển mình nhanh chóng, nếu không muốn bị loại khỏi sân chơi”, ông Đặng Xuân Thanh nêu ý kiến.

Một số hạn chế trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam được TS. Lê Xuân Sang chỉ ra, đó là kinh tế Việt Nam đang chủ yếu tăng trưởng dựa vào tăng vốn đầu tư, giá rẻ nhân công và thuê mặt bằng kinh doanh; bước đầu chuyển sang tăng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

“Tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn dựa chủ yếu vào bên ngoài (nhập khẩu chủ yếu từ đầu vào sản xuất công nghiệp đến nông nghiệp) dẫn đến công nghiệp phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu nước ngoài, nhất là Mỹ. Chính vì vậy, Việt Nam hiện nay đang có những cải tổ, cải cách nhằm thúc đẩy khoa học công nghệ, bộ máy nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân,… những chính sách này góp phần thúc đẩy những lĩnh vực mà Việt Nam còn yếu kém, bị kìm hãm”, TS. Lê Xuân Sang nói.

Việt Nam xác định kinh tế số là 1 trong 3 trụ cột trong Chiến lược chuyển đổi số quốc gia đến 2025, tầm nhìn 2030, đề cập vấn đề này, GS.TS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, thuận lợi đối với phát triển kinh tế số ở Việt Nam đang có, chính là sự ổn định chính trị với thế hệ dân số vàng có kỹ năng số, cùng đó là các DN công nghệ nội địa dẫn dắt Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo cũng như hợp tác quốc tế mở rộng.

Tuy nhiên, khó khăn đối với phát triển kinh tế số ở Việt Nam chính là các yếu tố như khoảng cách số, vướng mắc về thể chế, pháp lý chưa đồng bộ trong khi trình độ, kỹ năng số và nhận thức của các DN còn thấp dẫn đến quá trình đầu tư R&D thấp nên phụ thuộc nhiều vào các nền tảng nước ngoài.

thanh.jpg
TS Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Định hướng và giải pháp phát triển kinh tế số ở Việt Nam, GS.TS Trần Thọ Đạt đề nghị cần hoàn thiện thể chế và chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế số. Trong đó, chú trọng phát triển hạ tầng số hiện đại, đồng bộ và an toàn cũng như tập trung phát triển nguồn nhân lực số và kỹ năng số cho toàn dân. Đặc biệt, cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển hệ sinh thái công nghệ số nội địa, từ đó thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng và đảm bảo tiếp cận bình đẳng kinh tế số.

Cần một cuộc "đại phẫu" toàn diện

Hướng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong kỷ nguyên mới, TS. Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đề xuất, Việt Nam cần thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, tạo cơ hội cho phát triển các thành phần kinh tế. Cụ thể là cần nhận diện và quản lý ảnh hưởng của DN lớn lên chính sách. Chính phủ cần thực hiện các chương trình hỗ trợ DN theo kết quả đạt được, tập trung vào nghiên cứu phát triển, không phân biệt loại hình DN.

“Việt Nam thúc đẩy cơ chế khởi nghiệp, không lựa chọn ngành nghề để mở rộng sự đa dạng mô hình kinh tế. Cùng đó là nâng cao sức cạnh tranh quốc tế qua tiếp thu công nghệ, đặc biệt của DN nhà nước cũng như phát triển DN tư nhân theo mạng lưới cung cấp và phân phối. Tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh quốc tế của các ngành dịch vụ, thúc đẩy bởi công nghệ và đổi mới sáng tạo, để từng bước thúc đẩy nghiên cứu cơ bản khi tiệm cận giới hạn công nghệ toàn cầu”, TS. Nguyễn Bá Hùng khuyến nghị.

hung.jpg
TS. Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)

Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới cho rằng, kinh tế Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng tương đối cao và ổn định từ năm 1986 đến nay. Tuy nhiên, trong suốt thời gian này, Việt Nam chưa từng đạt mức tăng trưởng 10%/năm.

Vì vậy, để phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam không thể tiếp tục đi theo mô hình tăng trưởng cũ – vốn dựa nhiều vào lao động giá rẻ và đầu tư vốn lớn. Thay vào đó, cần một cuộc "đại phẫu" toàn diện nhằm thay đổi thể chế, nâng cao hiệu quả điều hành và chuyển mạnh sang mô hình tăng trưởng dựa trên chất lượng, đổi mới sáng tạo và công nghệ cao…

Cụ thể, trong 5 năm tới, TS. Lê Xuân Sang cho rằng, Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ tăng trưởng theo số lượng sang tăng trưởng theo chất lượng. Cụ thể, về thu hút FDI cần ưu tiên vốn đầu tư công nghệ cao, thân thiện môi trường, có khả năng lan tỏa sang khu vực trong nước. Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực để kết nối tốt hơn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào các dự án lớn, nhất là đầu tư công. Song song, cần siết chặt kỷ cương để tránh tình trạng “quan hệ – cánh hẩu”, nâng cao tính minh bạch và công bằng trong kinh doanh.

Về cải cách thể chế, cần thiết kế hệ thống “cây gậy và củ cà rốt” – vừa thúc ép đổi mới, vừa có cơ chế khuyến khích hiệu quả. Đồng thời, nâng cao chất lượng quản trị nhà nước và phối hợp giữa các cấp, ngành.

Về tái cơ cấu ngân sách và các quỹ tài chính, cần ưu tiên vốn cho nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, giáo dục – công nghệ. Cắt giảm mạnh các quỹ ngoài ngân sách hoạt động kém hiệu quả, đồng thời tăng vốn cho các quỹ đầu tư mạo hiểm và khởi nghiệp.

Xây dựng đội ngũ công chức hiệu quả bằng cách tuyển chọn và đào tạo cán bộ dựa trên năng lực, liêm chính và tinh thần phụng sự, tránh để các nhóm lợi ích chi phối bộ máy.

“Cải cách mô hình tăng trưởng cần giống như một “cuộc đại phẫu” – dũng cảm tháo gỡ những phần lỗi thời, đồng thời sắp xếp lại các thành tố mới một cách bài bản. Việc này không thể nóng vội, càng không thể làm theo cách chắp vá mà đòi hỏi sự vào cuộc chuyên nghiệp của Nhà nước, với lộ trình rõ ràng và có tính đến các rủi ro phát sinh”, ông Sang nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Việt Nam cần chuyển từ tăng trưởng theo số lượng sang tăng trưởng theo chất lượng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.