Trong bối cảnh lượng rác thải phát sinh ngày một lớn và các bãi chôn lấp rác đang quá tải…, việc đẩy nhanh tiến độ các dự án theo công nghệ đốt rác phát điện được kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề này hiệu quả, bền vững hơn.
>>> Hà Mã mới sinh tại Vinpearl Land được đặt tên Champion
>>> TP. Hồ Chí Minh: Vé xe khách tăng không quá 60% trong dịp Tết Nguyên đán 2019
Ảnh minh họa.
Để giải bài toán thu gom và xử lý rác thải nông thôn, TP Hà Nội đang kêu gọi đầu tư các dự án đốt rác, thu hồi nhiệt năng để phát điện, đạt tiêu chuẩn môi trường của châu Âu. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, định hướng đến năm 2020-2021, thành phố tập trung đầu tư 4 nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (1 nhà máy), Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (2 nhà máy) và Khu xử lý chất thải rắn Đồng Ké – huyện Chương Mỹ (1 nhà máy). Ngoài các chính sách hỗ trợ của Chính phủ (theo Quyết định số 31/2014/QĐ-TTg ngày 5-5-2014) về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam, về huy động vốn đầu tư, thuế nhập khẩu thiết bị, tiền sử dụng đất, thuê đất, hỗ trợ giá điện, TP Hà Nội còn hỗ trợ đầu tư hạ tầng ngoài tường rào của dự án gồm đường, hệ thống điện, nước…
Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận định: Việc xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp vừa tốn diện tích đất, vừa khó kiểm soát vệ sinh môi trường. Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn là nơi tiếp nhận rác lớn nhất của thành phố, theo tính toán cũng sẽ hết chỗ chôn lấp vào năm 2020. Việc này đặt ra cho Hà Nội yêu cầu phải sớm có phương án xử lý rác thải bằng công nghệ hiện đại.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay Nhà máy Điện rác Sóc Sơn (công suất 4.000 tấn rác/ngày – đêm) đang thực hiện các thủ tục phê duyệt quy hoạch 1/500, chuẩn bị thủ tục khởi công dự án vào đầu năm 2019, phấn đấu hoàn thành xây dựng trong 18 tháng. Hai dự án xử lý rác phát điện với tổng công suất 1.500 tấn/ngày – đêm tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư, đang thực hiện các thủ tục đo đạc, xác định mốc giới, thiết kế kỹ thuật… để có thể thẩm định, phê duyệt và đủ điều kiện khởi công trong quý II-2019. Dự án xử lý rác thải phát điện tại Đồng Ké đang tiến hành lựa chọn nhà đầu tư, phấn đấu hoàn thành vào năm 2021.
Thực tế cho thấy, để các dự án nhà máy đốt rác phát điện sớm được đầu tư, đi vào hoạt động rất cần các bộ, ngành trung ương tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về ưu đãi đầu tư, điều chỉnh quy hoạch chuyên ngành, hướng dẫn về giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng phương pháp đốt phát điện công suất lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến… Bên cạnh đó, các cấp, ngành chức năng của thành phố cần đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, chuẩn bị đầu tư các dự án, lựa chọn chủ đầu tư có tiềm lực, công nghệ xử lý rác thải hiện đại, triệt để. Đối với một đô thị văn minh mà Hà Nội đang hướng tới, việc áp dụng công nghệ tiên tiến vào xử lý rác thải là giải pháp hiệu quả, bền vững.
Bích Thuần (t/h)