Công tác quản lý rác thải y tế tại Thái Bình: Còn mang nặng tính bao cấp

24/06/2016 10:51
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

– Thời gian qua, công tác quản lý rác thải y tế tại Thái Bình đã được triển khai ở các bệnh viện trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các bệnh viện ở Thái Bình còn thiếu tính chủ động, sáng tạo, phụ thuộc vào sự đầu tư của các cấp ngành, tâm lý bao cấp còn bao trùm…

Nỗ lực trong công tác quản lý

Mặc dù còn đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức, ngân sách hoạt động hạn chế, cơ sở vật chất hạ tầng xuống cấp, trang thiết bị thiếu, không đồng bộ; số giường bệnh tính theo tỷ lệ trên 10.000 dân còn thấp; tình trạng quá tải còn xảy ra cục bộ tại một số khoa phòng…nhưng Sở Y tế Thái Bình đã rất nỗ lực để thực hiện tốt các quy định, Chỉ thị của Bộ Y tế và các cấp, ban ngành. Sở đã xây dựng kế hoạch công tác quản lý chất thải y tế tỉnh Thái Bình giai đoạn 2014 – 2020. Theo đó, đến năm 2020 đạt 100% các cơ sở y tế trong tỉnh thực hiện xử lý chất thải y tế đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về môi trường và xử lý chất thải rắn theo hướng tập trung.

Triển khai Chỉ thị 05/CT-BYT của Bộ Y tế, Sở tổ chức các lớp tập huấn, tăng cường công tác thanh kiểm tra giám sát định kỳ; thực hiện tốt công tác tuyên truyền đến từng đơn vị y tế.  Sở đã sử dụng đúng mục đích các nguồn kinh phí được cấp và nguồn vốn được tài trợ từ nguồn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới để đầu tư về cơ sở hạ tầng phục vụ công tác xử lý chất thải cho các bệnh viện trên địa bàn toàn tỉnh.

thai binh1

Lò đốt chất thải rắn nguy hại của Bệnh viện đa khoa Kiến Xương.

Yếu kém trong triển khai thực hiện

Chủ trương và phương hướng của Sở Y tế Thái Bình đề ra cho công tác quả lý chất thải trên địa bàn toàn tỉnh được đánh giá là tối ưu. Tuy nhiên, các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện chưa đồng bộ, còn nhiều đơn vị chưa làm tốt. Nhiều đơn vị chưa thực sự chú trọng đến công tác này, nhiều cán bộ y tế không nắm rõ quy trình phân loại rác đầu nguồn dẫn đến việc phân loại rác sai quy định (ví dụ như Bệnh viện đa khoa Đông Hưng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình, Bệnh viện Nam Tiền Hải, Bệnh viện Hoàng An, Bệnh viện Đại Học Y Thái Bình…). Dụng cụ lưu chứa rác không đồng bộ, thiếu sự đầu tư như: Sử dụng thùng tái sử dụng nhiều lần; hoặc lấy chai nước Lavie/ chai dịch chuyền làm vật chứa rác (Bệnh viện Đa khoa Kiến Xương). Công tác vận chuyển còn thô sơ, thiếu an toàn. Một phần do ý thức và sự thiếu hiểu biết của cán bộ nhân viên y tế về rác thải, dẫn tới việc làm cẩu thả coi thường tính mạng sức khỏe của chính bản thân mình, không bao găng tay trong khi thu gom rác thải, không thực hiện chế độ bảo hộ đúng quy định ( ví dụ Bệnh viện Đại học Y Thái Bình). Khu tập kết rác lộn xộn, có Bệnh viện còn lưu rác thải với số lượng lớn trong khuân viên Bệnh viện không có mái che chắn (ví dụ như Bệnh viện Đa khoa Kiến Xương) và rất nhiều Bệnh viện lưu rác quá thời gian cho phép theo quy định.

thai binh 2

Công nghệ xử lý chất thải lỏng cũ kỹ lạc hậu xuống cấp tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình

thai binh 3

Rác thải y tế tập kết trong khuôn viên Bệnh viện đa khoa Kiến Xương với số lượng lớn

Các bệnh viện chưa hoàn thiện các văn bản pháp lý, nhiều bệnh viện chưa có đề án bảo vệ môi trường, không có giấy phép sả thải, không có sổ ghi chép theo dõi…( ví dụ như Bệnh viện Phụ Sản Thái Bình, Bệnh viện Đại học Y Thái Bình, Bệnh viện tư nhân Lâm Hoa, Bệnh viện Hoàng An…).

Công nghệ xử lý chất thải rắn và lỏng ở nhiều bệnh viện vẫn chưa đạt tiêu chuẩn, cũ kỹ, lạc hậu xuống cấp, không có sự duy tu bảo dưỡng thay mới nên việc xử lý không đáp ứng yêu cầu thực tế (ví như công nghệ xử lý chất thải lỏng của Bệnh viện Đa khoa Thái Bình, lò đốt chất thải rắn của Bệnh viện Đa khoa Nam Tiền Hải). Nguyên nhân được các bệnh viện nêu ra là chưa có nguồn kinh phí, phải chờ. Ông Đỗ Văn Lương, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vũ Thư chia sẻ: “Là một bệnh viện tuyến huyện, nguồn kinh phí còn hạn hẹp. Hiện nay bệnh viện đang phải độc lập nguồn ngân sách. Đầu tư cho hệ thống trang thiết bị và công tác quản lý rác thải còn nhiều khó khăn. Bệnh viện vẫn đang chờ nguồn kinh phí …”. Điều này cho thấy, các bệnh viện ở Thái Bình hiện đang trông chờ vào sự bao cấp của Nhà nước, không chủ động sáng tạo trong công tác điều phối quản lý các nguồn kinh phí và chưa thực sự coi việc xử lý rác thải bệnh viện là nhiệm vụ cấp bách.

thai binh 4
Phân loại rác tại xe tiêm sai quy định, ống tiêm dính máu lẫn trong rác tái chế, thùng đựng rác tái chế sai màu, không có túi đựng( tại bệnh viện đa khoa Kiến Xương)

thai binh 5
Khu tập kết rác sai quy định tại Bệnh viện Đại học Y Thái Bình

Thiết nghĩ các cơ quan, ban ngành tỉnh Thái Bình nói chung và Sở Y tế nói riêng cần quan tâm hơn nữa đến công tác bảo vệ môi trường; thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ, thực hiện công tác truyền thông giáo dục để nâng cao ý thức của nhân viên y tế trong công tác bảo vệ môi trường. Cần quyết liệt hơn nữa đối với các cơ sở y tế sai phạm, đặc biệt định hướng đúng đắn hơn trong cơ chế “xin cho” để các đơn vị chủ động dành nguồn kinh phí trong công tác bảo vệ môi trường, gắn trách nhiệm người đứng đầu đơn vị với công tác quản lý rác thải theo  Chỉ thị 05/CT-BYT của Bộ Y tế. Sở Y tế cần sớm hoàn thiện các hạng mục công trình còn dang dở và đầu tư thêm các dự án mới để phục vụ hiệu quả cho công tác chấp hành và bảo vệ môi trường y tế trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Có như vậy mới xây dựng được môi trường  y tế trong lành, góp phần tích cực vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Theo Suckhoemoitruong.com.vn


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Công tác quản lý rác thải y tế tại Thái Bình: Còn mang nặng tính bao cấp
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.