(Moitruong.net.vn) – Theo thống kê của UBND xã Hưng Đông, hoạt động xả thải từ nhiều năm nay của Công ty bao bì Sabeco Sông Lam đã khiến 11 ha đất nông nghiệp bỏ hoang (trong đó có 8 ha đất lúa, 2,5 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản), gây ô nhiễm không khí, nguồn nước.
Cống xả thải của Công ty bao bì Sabeco Sông Lam ra khu vực bàu Đông
Năm 2009, Công ty bao bì Sabeco Sông Lam (KCN Bắc Vinh, TP Vinh, Nghệ An) chính thức đi vào hoạt động. Cũng từ đó, 11 ha đất trồng lúa thuộc khu vực Bàu Đông bị ô nhiễm nặng. Mặc dù đang giữa vụ xuân nhưng cánh đồng phủ một màu xanh của cỏ dại. Thi thoảng lại có một vài ao nuôi nhỏ nhưng nước trong ao đen ngòm; nhiều hộ tận dụng khoanh vùng đất trồng lúa, giữ cỏ để chăn thả trâu bò. Một vài thửa ruộng được người dân trồng lúa nhưng còi cọc, kém phát triển.
Thông tin trên báo Nông nghiệp, ông Lê Duy Hà, xóm trưởng xóm Mỹ Hòa cho biết: “Lúc đầu, Công ty bao bì Sabeco Sông Lam xả thải trực tiếp ra bàu Đông khiến màu nước đục ngầu, lâu ngày thì đen ngòm, người đi làm đồng về chân tay mẩn ngứa. Sau đó, chúng tôi mới được biết, việc sản xuất bao bì có mực in, keo dán và các loại hóa chất tẩy rửa gây ô nhiễm nguồn nước; cây lúa không thể phát triển trên cánh đồng bị ô nhiễm này, chỉ có cỏ dại là mọc um tùm. Từ đó, người dân xóm Mỹ Hòa bỏ ruộng, đi làm thuê. Thế nhưng, đây là đất ruộng được giao theo Nghị định 64 nên hàng năm, người dân phải đóng các khoản phí theo diện tích”
“Thời gian gần đây, ô nhiễm đã giảm nhiều nhưng thi thoảng những hôm trở trời, mùi hôi nồng nặc vẫn xộc vào tận nhà dân. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị nhưng việc đền bù thiệt hại vẫn không được thực hiện”, ông Hà cho biết.
UBND xã Hưng Đông, UBND TP Vinh và UBND tỉnh Nghệ An đã nhiều lần kiến nghị, xử lý nhưng Công ty bao bì Sabeco Sông Lam vẫn không hợp tác, không chịu đền bù thiệt hại cho người dân.
Công ty bao bì Sabeco Sông Lam chối bỏ trách nhiệm
Ông Phạm Văn Thanh, cán bộ địa chính – nông nghiệp xã Hưng Đông cho biết, theo thiết kế ban đầu, nước thải từ Công ty bao bì Sabeco Sông Lam sau khi được xử lý sẽ chảy ra sông Kẻ Gai, cách nhà máy gần 1 km, giáp với xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên chứ không phải xả thải ra bàu Đông.
Thế nhưng, thời gian đầu (khoảng 3 năm), hệ thống xả thải chưa hoàn thiện, nước thải được thải trực tiếp ra vùng bàu Đông, sau đó đi theo hai hướng về cống ngầm xã Hưng Đông và xã Nghi Kim. Trong thời gian 3 năm xả thải trực tiếp, cánh đồng bàu đông đã bị ô nhiễm nặng nề không thể sản xuất, muốn cải tạo phải hết sức tốn kém.
Cánh đồng bàu Đông đã bỏ hoang gần 10 năm nay do nước thải của công ty làm chết lúa
Được biết, từ năm 2010 lần lượt các đoàn thanh, kiểm tra của UBND TP Vinh, Sở TN-MT tỉnh Nghệ An… đã kiểm tra vấn đề ô nhiễm do nước thải của Công ty bao bì Sabeco Sông Lam gây ra và đều kết luận đơn vị này xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất cũng như sức khỏe của người dân xã Hưng Đông. Sau nhiều cuộc họp, các cơ quan chức năng đã thống nhất yêu cầu Công ty phải bồi thường thiệt hại về sản xuất cũng như phí cải tạo phục hồi lại môi trường cho người dân nơi đây.
Tuy nhiên, cho đến nay đã nhiều năm trôi qua, “thủ phạm” vẫn “bặt vô âm tín”, chối bỏ trách nhiệm khiến người dân và chính quyền hết sức bức xúc.
Lãnh đạo xã Hưng Đông cũng cho biết, việc gây ô nhiễm kéo dài từ nhiều năm, các ban ngành từ xã đến tỉnh đã nhiều lần về làm việc nhưng không nhận được sự hợp tác từ phía Công ty bao bì Sabeco Sông Lam. “Xã hẹn rất nhiều lần. TP, tỉnh đã nhiều lần có giấy mời đích danh lãnh đạo nhưng phía Công ty bao bì Sabeco Sông Lam không đến; mời chung công ty thì họ chỉ cử bộ phận nhân sự đến làm việc. Còn xã lập đoàn thanh kiểm tra thì chỉ được đứng ngoài bờ rào công ty nhìn vào, không được trực tiếp vào kiểm tra nên không biết thực hư việc xả thải thế nào” – vị lãnh đạo này bức xúc.
Trước tình hình xả thải, gây ô nhiễm và từ chối hợp tác của Công ty bao bì Sabeco Sông Lam, có những thời điểm, người dân đã kéo lên công ty để phản đối; chụp ảnh bằng chứng xả thải ô nhiễm của công ty để gửi lên các cơ quan chức năng nhưng mọi việc vẫn không được giải quyết.
Văn Dũng