– Năm qua, lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường đã bóc gỡ nhiều vụ án về tội phạm môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm nghiêm trọng gây bức xúc được dư luận quan tâm. Nhân dịp đầu Xuân Kỷ Hợi 2019, Phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã có buổi phỏng vấn Thiếu tướng Lê Tấn Tảo – Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường về những kết quả đạt được trong năm qua và kế hoạch hoạt động của lực lượng CSMT trong năm 2019.
>> Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật để công tác bảo vệ môi trường đạt hiệu quả cao”
>> Thư chúc Tết của Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống
>>Long An: Công ty xử lý chất thải nguy hại Ngọc Tân Kiên “tra tấn” người lao động bằng khí thải ô nhiễm
Thiếu tướng Lê Tấn Tảo – Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường trả lời phỏng vấn phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống nhân dịp xuân Kỷ Hợi 2019
PV:Năm qua, Lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường đã lập được nhiều chiến công, xin ông cho biết một số kết quả mà lực lượng Cảnh sát môi trường đạt được trong thời gian qua?
Thiếu tướng Lê Tấn Tảo: Năm 2018, công tác tổ chức của lực lượng CAND nói chung và của lực lượng Cảnh sát môi trường nói riêng có nhiều thay đổi. Cục Cảnh sát môi trường đã chủ động triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp đấu tranh, tập trung vào một số địa bàn, lĩnh vực trọng điểm như: xử lý chất thải; nhập khẩu phế liệu; buôn bán động vật hoang dã; sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn, vệ sinh.
Nhận thức rõ tình hình và nhiệm vụ đặt ra, lực lượng Cảnh sát môi trường đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước; chủ động hơn trong công tác nắm tình hình, đề xuất lãnh đạo Bộ chỉ đạo giải quyết có hiệu quả nhiều vấn đề cơ bản, chiến lược trên lĩnh vực đảm bảo ANTT nói chung, bảo vệ môi trường nói riêng, góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Cụ thể, trong năm 2018, Cục Cảnh sát môi trường đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an ban hành và chỉ đạo lực lượng Cảnh sát môi trường mở đợt cao điểm theo các chuyên đề gắn với triển khai đồng bộ, quyết liệt các chủ trương, biện pháp đấu tranh, chống tội phạm và đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Theo đó, toàn lực lượng đã phát hiện 24.642 vụ. Đã chuyển cơ quan CSĐT các cấp đề nghị khởi tố 367 vụ, 639 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 20.969 vụ, số tiền trên 284,066 tỷ đồng; đang điều tra 1.618 vụ, 1.429 đối tượng.
Một số vụ điển hình như: Phối hợp với Cơ quan điều tra và các cơ quan chức năng xác minh làm rõ vi phạm pháp luật về môi trường tại Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh xả nước thải chứa các chất độc hại vượt quy chuẩn ra môi trường; đấu tranh xử lý tình hình ô nhiễm môi trường trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải; đấu tranh có hiệu quả tại một số “điểm nóng” về khai thác cát sỏi lòng sông như: Sông Nậm (Điện Biên), sông Hồng (qua các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nội); phối hợp với các đơn vị đấu tranh, làm rõ hành vi sử dụng than tre để sản xuất thực phẩm chức năng giả hỗ trợ điều trị ung thư của Công ty Vinaca tại Hải Phòng và vụ sử dụng pin nhuộm phế phẩm cà phê, tạp chất để trộn vào hồ tiêu tại Đắk Nông…
Qua thực tiễn công tác, lực lượng Cảnh sát môi trường đã khẳng định bản lĩnh chính trị vững vàng, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Những kết quả, thành tích trên đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội và đối ngoại của đất nước, củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với lực lượng Công an.
PV: Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã có hiệu lực được gần 02 năm. Ông cho biết hiệu quả của Nghị định trong thực tiễn?
Thiếu tướng Lê Tấn Tảo: Nghị định 155 đã tạo sự chuyển biến tích cực đối với doanh nghiệp (DN) và người dân. Đối với DN, khung và mức phạt cao, hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả nghiêm khắc (ngoài bồi thường thiệt hại, khắc phục các vi phạm, có thể buộc phải dừng hoạt động…) đã buộc các DN phải quan tâm hơn đến công tác BVMT, hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục còn thiếu theo quy định; quan tâm đầu tư và vận hành thường xuyên hệ thống xử lý chất thải đạt QCVN; thu gom, quản lý, xử lý chất thải… Ý thức BVMT của DN và người quản lý, chủ DN được nâng lên, nhờ đó, mà môi trường tại các khu công nghiệp, khu sản xuất, kinh doanh từng bước được cải thiện.
Đối với người dân, việc quy định thẩm quyền lập biên bản và xử phạt các vi phạm về xả thải tại các khu vực đô thị, khu dân cư, khu vui chơi, giải trí… cũng đã góp phần nâng cao ý thức và nhận thức của người dân về thu gom, phân loại, xử lý rác, giữ gìn vệ sinh môi trường ở các khu đô thị, khu dân cư và nơi công cộng.
Tuy nhiên, để Nghị định 155 thực sự đi vào cuộc sống, theo tôi, trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị định 155/2016/NĐ-CP tới cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức đúng về sự cần thiết phải xử phạt nghiêm đối với các hành vi vi phạm bảo vệ môi trường tạo ra sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của doanh nghiệp, người dân đối với chủ trương đúng đắn này.
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị cần quan tâm đầu tư xây dựng và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng nơi công cộng như nhà vệ sinh, phòng hút thuốc, thùng rác, lắp đặt hệ thống camera… nhằm tạo điều kiện phục vụ tốt nhu cầu của người dân và kiểm soát người vi phạm…
PV: Theo ông, giải pháp nào để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp hiện nay?
Thiếu tướng Lê Tấn Tảo: Theo tôi, để các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam nâng cao ý thức và thực hiện tốt công tác BVMT thì cần phải có những giải pháp sau:
Một là, các cơ quan chức năng, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về môi trường và tác hại của hành vi vi phạm pháp luật môi trường, nhất là các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Đây là việc phải làm thường xuyên với sự vào cuộc của toàn xã hội.
Hai là, doanh nghiệp phải chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên, bảo đảm an toàn thực phẩm. Xác định công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước mà là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, trong đó các doanh nghiệp giữ vai trò đặc biệt quan trọng.
Chú trọng nghiên cứu, ứng dụng, đầu tư công nghệ trong xử lý ô nhiễm; sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng; ứng dụng và phát triển công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; làm tốt việc thu gom, tái chế, xử lý chất thải nguy hại và các dịch vụ khác nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường, mất an toàn thực phẩm.
Ba là, chủ động, tích cực phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, các cấp chính quyền và lực lượng Công an trong công tác phòng ngừa, phát hiện và kiên quyết đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; các doanh nghiệp cần nghiêm túc thực hiện việc đánh giá tác động của doanh nghiệp với môi trường.
Bốn là, cần nâng cao trách nhiệm xã hội của DN đối với công tác BVMT. Điểm quan trọng trong công tác BVMT của DN hiện nay là giải quyết hài hòa giữa BVMT và lợi ích của DN. Do đó, cần thay đổi nhận thức về trách nhiệm BVMT của doanh nghiệp, cần coi công tác BVMT không chỉ là trách nhiệm về mặt pháp lý mà là trách nhiệm đạo đức của một DN đối với toàn xã hội.
PV: Trong năm tới, lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường sẽ có những kế hoạch hoạt động thế nào nhằm ngăn chặn một cách có hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường?
Thiếu tướng Lê Tấn Tảo: Năm 2019, dự báo tình hình tội phạm và VPPL về môi trường tài nguyên ATTP tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là một số lĩnh vực trọng điểm như ATTP; xử lý chất thải; khai thác tài nguyên, khoáng sản…để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác PCTP và VPPL về môi trường, lực lượng Cảnh sát môi trường đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Một là: Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an về công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.
Hai là: Tập trung nắm, dự báo tình hình phức tạp về tội phạm và các vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên an toàn thực phẩm để chủ động phát hiện xử lý sớm không để xảy ra các “điểm nóng” gây mất ANTT. Mở các đợt cao điểm tăng cường đấu tranh, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 và các chuyên đề trọng tâm, gây bức xúc trong xã hội. Tập trung phát hiện, xử lý vi phạm trong các lĩnh vực: quản lý chất thải nguy hại; xử lý nước thải, chất thải công nghiệp và rác thải sinh hoạt; phòng ngừa sự cố môi trường; khai thác, bảo vệ rừng; khai thác cát sỏi lòng sông; vệ sinh an toàn thực phẩm…
Ba là: Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản, chủ động nghiên cứu, rà soát những vướng mắc, bất cập của các văn bản quy phạm pháp luật để tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động của lực lượng Cảnh sát môi trường, nhất là trong việc áp dụng pháp luật hình sự, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.
Bốn là: Tăng cường công tác xây dựng Đảng và xây dựng lực lượng. Thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về công tác xây dựng Đảng; Quy định số 08-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm.
Năm là: Xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu điện tử; hệ thống thư điện tử có bảo mật phục vụ trao đổi thông tin trong lực lượng Cảnh sát môi trường.
Lực lượng Cảnh sát môi trường cần bám sát khẩu hiệu hành động của toàn lực lượng CAND “ Chủ động, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”; Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động lớn của Bộ và cuộc vận động xây dựng tiêu chí “Cảnh sát môi trường Đoàn kết – Kỷ cương – Trí tuệ – Hiệu quả, đẩy mạnh thực hiện “ Quy tắc ứng xử của lực lượng Cảnh sát môi trường”.
PV: Xin cám ơn Cục trưởng, chúc Cục trưởng và các cán bộ chiến sỹ Cảnh sát môi trường mạnh khỏe và gặt hái được nhiều thành công trong năm 2019!.
Hùng Thắng – Hà Quỳnh (thực hiện)