(Moitruong.net.vn) – Hà Nội là mảnh đất gắn với rất nhiều dòng sông, từ sông Hồng đỏ nặng phù sa đến sông Đáy, sông Nhuệ, sông Bùi, sông Tích nên thơ…

Ngay cả cái tên “Hà Nội” cũng xuất phát từ nghĩa “vùng đất bên trong sông”. Ấy vậy mà trải qua thăng trầm của thời gian, cùng với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, nhiều dòng sông đã bị ô nhiễm và thu hẹp nghiêm trọng, mất đi vẻ đẹp hiền hòa. Thậm chí có những dòng sông chỉ còn trong ký ức…
Với nhiều người Hà Nội, hình ảnh về những dòng sông trong xanh uốn lượn qua những thôn làng, khu dân cư, nơi ăm ắp những kỷ niệm yên bình giờ chỉ còn lại trong ký ức. Không ít người xót xa khi “có một dòng sông đã qua đời”!
Tiếc một dòng sông xưa
Với những người dân từ trung niên đến các bậc bô lão ở xã Hát Môn (huyện Phúc Thọ) dòng Hát Giang trong xanh luôn hiện hữu trong miền ký ức đẹp đẽ. Bởi sông Hát giờ chỉ còn là một đoạn kênh nhỏ rộng hơn chục mét, chiều dài khoảng 2km. Vẫn trong xanh, vẫn êm đềm nhưng dòng sông một thời rộng lớn ôm ấp biết bao nhiêu giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất anh hùng Hát Môn giờ đã quá khác xưa. Sông Hát là nơi ghi nhiều chiến công oanh liệt của Hai Bà Trưng trong cuộc chiến chống quân Nam Hán và cũng chính là nơi Hai Bà tuẫn tiết, quyết không chịu khuất phục quân thù. Ngày nay, ngôi đền thờ Hai Bà vẫn hướng mặt nhìn ra dòng Hát Giang xưa nhưng dòng sông đã không còn nữa! “Tuổi thơ của tôi cùng chúng bạn được tung tăng bơi lội trên dòng sông nên thơ ấy, giờ là những kỷ niệm không thể phai nhòa” – ông Trần Viết Hỗ – Phó Ban Quản lý di tích Hát Môn nhớ lại.
23-1
Sông Hát thuộc địa phận xã Hát Môn giờ chỉ còn là một đoạn kênh nhỏ, hẹp. Ảnh: Quang Thiện
Sông Hát là một nhánh của sông Hồng rẽ vào địa phận các xã Hát Môn, Thượng Cốc (huyện Phúc Thọ), được thiên nhiên trù phú ban cho nhiều tôm cá. Bởi thế, vào những năm 70, rất nhiều ngư dân từ các tỉnh Nam Định, Thái Bình đã lên đây đánh cá mưu sinh, rồi lập nên các xóm vạn chài. Ngày nay, ở Hát Môn vẫn còn một cụm dân cư số 4 là hậu duệ của những ngư dân vạn chài khi xưa. Thế nhưng, từ vài chục năm trở lại đây, cùng với sự vận động của tự nhiên, sự bồi đắp của dòng chảy và chính sự toan tính lấn chiếm của con người, dòng Hát Giang chỉ còn là một đoạn kênh nhỏ hẹp. Đến nỗi, mỗi năm vào ngày 6/3 Âm lịch, khi lễ hội Đền thờ Hai Bà Trưng diễn ra, việc thực hiện nghi lễ thả đèn hoa đăng gặp rất nhiều khó khăn bởi sông cạn, nước trơ đáy.
Giống như người dân Phúc Thọ nhớ về dòng sông Hát, với người dân huyện Thạch Thất, dòng Tích Giang thực sự là một phần ký ức không thể phai mờ, theo mỗi người lớn lên, rồi già đi. Bắt nguồn từ Ba Vì, chảy qua Sơn Tây, Phúc Thọ rồi uốn quanh các xã Cẩm Yên, Lại Thượng, Kim Quan, Cần Kiệm của huyện Thạch Thất trước khi chạy sang Quốc Oai, Chương Mỹ, sông Tích từng một thời gắn bó với biết bao người dân xứ Đoài. Ông Nguyễn Đình Thiện, 73 tuổi, thôn Phú Lễ, xã Cần Kiệm tâm sự, cách đây chừng 20 – 30 năm, người dân trong làng vẫn thường ra sông Tích bắt trai, cào hến. Thế nên, Tích Giang không chỉ là người bạn hiền hòa, gần gũi mà còn là nguồn nuôi sống biết bao nhiêu gia đình. “Cứ chiều đến, cha nào con nấy rủ nhau ra sông tắm mát nhưng nay thì không còn cảnh ấy nữa rồi” – ông Thiện ngậm ngùi.
Hình hài thay đổi
Sông Tích khi xưa rộng hàng trăm mét, nay theo thời gian bồi lắng lòng sông chỉ còn rộng chừng vài ba chục mét, chỗ rộng nhất cũng chỉ năm bảy chục mét. Theo lời kể của ông Nguyễn Đình Thiện, những năm 60 của thế kỷ trước, ông còn chèo thuyền xuôi theo sông Tích qua Quốc Oai đến cầu Tân Trượng (Chương Mỹ), cả đoàn khiêng thuyền qua rồi xuôi theo dòng sông Đáy về vãn cảnh chùa Hương. Thế nhưng, giờ đây tuyến đường thủy hữu tình ấy chỉ còn trong trí nhớ của cụ ông ở độ tuổi “ngoại thất thập cổ lai hy”. Ông Kiều Văn Sơn – Bí thư Đảng ủy xã Cần Kiệm cho biết, do xã nằm ở vùng trũng nên toàn bộ đất đá, chất thải từ nơi khác đổ về làm bồi lắng dòng chảy sông Tích. So với nhiều năm trước đây, lòng sông vừa hẹp, vừa nông lại ô nhiễm hơn rất nhiều.
Giống như sông Tích, dòng Nhuệ Giang hiền hòa chảy qua địa phận xã Cự Khê, huyện Thanh Oai trước đây vốn được người dân ngợi ca như một bức tranh “sơn thủy hữu tình”. Những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đoạn sông Nhuệ ở làng Cự Đà đã trở thành nơi buôn bán sầm uất, trên bến dưới thuyền, minh chứng rõ nhất cho quan niệm “Nhất cận thị, nhị cận giang” lúc bấy giờ. Từ đây, thuyền buôn tứ phương ngược lên Phú Thọ qua sông Hồng hay xuôi Ninh Bình, Nam Định theo sông Đáy. Hai bên bờ sông là hàng chục bến nước lát đá tảng màu xanh, những cây đèn báo hiệu tạc bằng đá trắng chỉ dẫn cho tàu thuyền ra vào. Thế nhưng, khung cảnh hữu tình ấy nay không còn nữa. Dòng sông trong xanh vài ba chục năm trước còn đầy tôm cá nay nước bẩn đen kịt, những bến đá bề thế nay ngập tràn rác rưởi…
Trên địa bàn Hà Nội có rất nhiều con sông chảy qua như sông Hồng, Đáy, Tích, Cà Lồ, Đuống, Bùi, Tô Lịch, Kim Ngưu… Cùng với thăng trầm của thời gian và tác động của đô thị hóa, nhiều con sông đã thay đổi dòng chảy. Trong khu vực nội thành, đáng chú ý nhất có lẽ là sông Tô Lịch, một phân lưu đưa nước từ sông Hồng vào sông Nhuệ. Qua nhiều biến thiên, ngày nay, sông Tô Lịch bắt đầu từ phường Nghĩa Đô, thuộc quận Cầu Giấy (phía Nam đường Hoàng Quốc Việt), chảy cùng hướng với đường Bưởi, đường Láng và đường Kim Giang về phía Nam, Tây Nam rồi ngoặt sang phía Đông Nam và đổ ra sông Nhuệ ở đối diện làng Hữu Từ, thuộc xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì. Từ một dòng sông nên thơ đi vào thi ca, giờ đây, sông Tô Lịch chỉ còn là dòng thoát nước thải của TP, ngày càng ô nhiễm nặng… Ông Nguyễn Trường Duy – nguyên Trưởng phòng Quản lý xây dựng công trình (Sở NN&PTNT) ngậm ngùi, hình hài của nhiều con sông trên địa bàn Thủ đô thay đổi quá nhiều do tốc độ đô thị hóa nhanh trong khi khâu quản lý còn yếu kém. Trong đó, đáng chú ý là tình trạng lấn chiếm hành lang các tuyến sông, đê điều, công trình thủy lợi vẫn còn xảy ra khá nhiều ở các địa phương.
(Theo KTĐT)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Cứu những dòng sông Hà Nội
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.