Đà Nẵng: Ba chàng trai 9X với sáng tạo máy thu gom rác thải thời đại 4.0

Ngọc Ánh (t/h)|24/06/2019 08:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nhóm sinh viên Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng đã chung sức sáng tạo ra chiếc máy thu gom rác thủy bộ, có thể thu được rác thải trên thu gom rác thải bãi biển, cả mặt đất và dưới nước.

Đã trải qua 4 mùa hè xanh tình nguyện, thường xuyên tham gia các hoạt động nhặt rác, bảo vệ môi trường, ba chàng sinh viên Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng nhận thấy cần nâng cao hiệu quả của các chương trình này.

Sáng chế vì môi trường

Mô hình được tạo ra bởi nhóm sinh viên đang theo học ngành 14KTTT (Kỹ thuật tàu thủy) của Đại học Bách Khoa bao gồm: Võ Anh Khoa, Trần Văn Nhật và Trương Văn Bình. Ngoài ra, sáng chế này còn có sự hỗ trợ của các bạn lớp 17KTTT: Lê Thanh Trãi, Võ Văn Khoa và Đinh Văn Hiệp.

Xuất phát từ ý tưởng làm ra một mô hình thu gom rác thải trên các bãi biển, mặt nước giúp cho những người làm công tác môi trường đỡ vất vả hơn và làm việc hiệu quả hơn, Võ Văn Khoa đã phát thảo kế hoạch ban đầu rồi bàn bạc với những người bạn của mình. Tất cả đều đồng tình với ý tưởng Khoa đưa ra.

Mô hình này có tên gọi đầy đủ là: Phương tiện thủy bộ thu gom rác thải bờ biển, mặt nước. Sau thời gian thực hiện, sáng chế đã đạt giải nhì Hội nghị nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên cấp trường, được chọn triễn lãm tại Festival khoa học trong sinh viên ĐH Đà Nẵng năm 2019 và nhận được sự quan tâm đặc biệt của Thành đoàn Đà Nẵng.

Vật liệu chính để tạo ra mô hình này là thép và composite (vật liệu tổng hợp). Cấu tạo gồm các bộ phận chính: Hệ thống khung gầm di chuyển, động cơ đẩy dưới nước, cửa thu gom rác thải, băng tải thu gom rác, bộ xử lý rác và thùng chứa rác.

Chiếc máy thu gom rác thải thủy bộ của nhóm có thiết kế khá lớn, với kích thước dài 4,3m, rộng 2,7m và cao 1,7m. Cửa gom rác của máy có bề rộng 4m, thể tích thùng chứa rác là 2 mét khối, vận tốc trên cạn tối đa 12 km/giờ, vận tốc dưới nước 16 km/giờ. Máy có thể hoạt động liên tục 6 tiếng và có năng suất tương đương với 12 người nhặt rác bằng tay.

Chiếc máy vận hành trên cạn nhờ hệ thống bánh xích và vận hành dưới nước nhờ hệ thống chân vịt đặt trong ống. Phía trước có cửa thu gom rác được thiết kế đặc biệt giúp tăng diện tích thu gom. Rác thải sẽ được đưa lên hệ thống băng tải lưới có bố trí các gai và lỗ thoát nước (giúp nước và cát được trả lại môi trường). Sau đó, rác sẽ được đưa vào hệ thống xử lý (nén hoặc xay rác nhỏ) rồi được đưa về thùng chứa. Khi đầy, công nhân có thể tháo thiết bị để lấy thùng rác ra.

Bạn Trần Văn Nhật chia sẻ: Em mong muốn sáng chế của nhóm sẽ sớm được ứng dụng thực tế, để góp phần giảm thiểu lượng rác thải tại các bờ biển trong nước. Đồng thời, các cô chú công nhân vệ sinh môi trường cũng đỡ cực nhọc, vất vả trong công việc. Em cũng hy vọng chiếc máy này có thể giúp thành phố Đà Nẵng xanh, sạch, đẹp hơn để phát triển du lịch bền vững.

Vượt qua khó khăn

Nói về những khó khăn ban đầu, Khoa chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất khi thực hiện mô hình này là về tài chính, nhóm phải tự bỏ tiền ra để trang trải hầu hết chi phí. Trang thiết bị phục vụ chế tạo vì tại xưởng không có đủ các thiết bị phục vụ. Nguồn nguyên vật liệu thì không đảm bảo. Kiến thức các chuyên ngành khác, nhóm phải tự học và đọc, nghiên cứu tài liệu rất nhiều”.

Khoa cho biết, trong quá trình thực hiện mô hình, nhóm đã nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ nhiệt tình từ thầy hướng dẫn là Thạc sĩ Phạm Trường Thi, sự quan tâm đặc biệt của các cấp lãnh đạo nhà trường và Thành đoàn trong định hướng phát triển sản phẩm.

Xác định ý tưởng và lên kế hoạch từ tháng 10/2018, trong khi đó lại là sinh viên năm cuối, nhưng nhóm bạn vẫn dành thời gian để rong ruổi khắp các khu chợ, con phố tìm mua thiết bị; lắp ráp, thử nghiệm rồi lại tháo rời tiếp tục nghiên cứu và lắp lại. Trải qua 7 tháng lao động đến nay, nhóm đã hoàn thành phiên bản mẫu với kích thước bằng 1/4 kích thước thực tế.

Theo Trương Văn Bình, khó nhất là làm sao tìm được nguyên, vật liệu phù hợp, tính năng tốt nhưng phải rẻ. “Vì phiên bản thử nghiệm này do chúng em tự góp tiền túi để làm nên kinh phí rất eo hẹp. Mỗi bạn dốc hết tiền để dành, đóng góp khoảng 10 triệu đồng tất cả các công đoạn thi công, lắp ráp đều tự tay làm để giảm chi phí. Cũng may là sau đó chúng em được sự giúp đỡ, hỗ trợ rất nhiều từ phía thầy cô và nhà trường”.

Ước mơ khởi nghiệp trong thời đại công nghệ 4.0

Ngay sau khi hoàn thành, sáng chế này đã đoạt giải Nhì Hội nghị nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên cấp trường, được chọn triển lãm tại Festival khoa học sinh viên Đại học Đà Nẵng năm 2019, giải nhất Ý tưởng sinh viên tình nguyện 2019 của Trung ương Đoàn và nhận được sự quan tâm đặc biệt của Thành đoàn Đà Nẵng và các doanh nghiệp trên địa bàn.

Phó Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng Nguyễn Mạnh Dũng cho biết: Thành đoàn đã chủ động liên hệ và có những đề xuất hỗ trợ cho đề tài này. Trước mắt, chúng tôi sẽ hướng dẫn các em đăng ký bản quyền, sở hữu trí tuệ cho sáng chế của mình. Thành đoàn luôn khuyến khích các bạn đoàn viên, thanh niên chung tay, góp sức nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế – xã hội cho thành phố.

Theo Trưởng nhóm Võ Anh Khoa, nhóm đã quyết định đăng ký thương hiệu cho sản phẩm và hoàn thiện để đưa ra thị trường. Thời gian tới, được sự hỗ trợ của Trung ương Hội sinh viên Việt Nam, Thành đoàn Đà Nẵng, đặc biệt là Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng ký hợp đồng với nhóm để triển khai, theo đó nhóm sẽ tiếp tục thực hiện dự án phát triển một thiết bị nguyên mẫu, với mục tiêu phát triển thành công thiết bị để áp dụng trong thực tế.

Thiết bị hoàn thiện này có chi phí sản xuất khoảng 300 triệu đồng. Do đó, thiết bị này sẽ có giá bán rẻ hơn nhiều lần so với các máy thu gom rác nhập khẩu từ nước ngoài nhưng lại có nhiều công dụng phù hợp với Việt Nam hơn.

Nếu chiếc máy này được đi vào sử dụng một cách đại trà, nó sẽ có kích thước to nhất cỡ bằng chiếc ô tô bán tải, chi phí tầm 200-350 triệu đồng. Hiện tại, Thành đoàn Đà Nẵng cùng Hội doanh nghiệp trẻ thành phố sẽ có buổi làm việc với nhóm để bàn hướng chế tạo một chiếc thử nghiệm trước khi đưa vào sản xuất.

“Điều kì vọng và mong muốn nhất khi sáng chế thành công mô hình này là nó có thể được phát triển thành một sản phẩm thực, phục vụ cho việc thu gom rác thải tại thành phố Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung được hiệu quả hơn, trả lại cảnh quan cho môi trường biển được xanh, sạch, đẹp hơn”- Khoa cho biết.

Ngọc Ánh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Ba chàng trai 9X với sáng tạo máy thu gom rác thải thời đại 4.0