Đầu tư 150 tỷ đồng bảo tồn, trùng tu di tích Điện Thái Hoà – Đại nội Huế

Ngọc Anh|05/03/2021 03:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Điện Thái Hòa dự kiến sẽ được trùng tu, tu bổ với phương án giữ nguyên hiện trạng vốn có của công trình, tổng kinh phí khoảng 150 tỷ đồng.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Điện Thái Hòa là công trình kiến trúc quan trọng, uy nghi, tráng lệ nhất trong Hoàng cung triều Nguyễn, biểu trưng cơ quan quyền lực của triều đình. Đây là nơi Hoàng đế ngự trị ngai vàng, tổ chức các buổi thiết triều, đại lễ và nghi thức quan trọng, ghi dấu lịch sử thăng trầm của 13 Hoàng đế triều đại nhà Nguyễn.

Trải qua thời gian, Điện Thái Hòa đang bị xuống cấp nghiêm trọng do điều kiện khí hậu thời tiết khắc nghiệt và một số tác nhân khác. Gần đây nhất, phần mái ngói phía Tây của Điện Thái Hòa bị hư hại nghiêm trọng do ảnh hưởng của các đợt mưa bão cuối năm 2020.

Hiện nay công trình di tích đã bị xuống cấp nghiêm trọng do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, thiên tai, sự xuống cấp qua thời gian, tác động của con người và các yếu tố ngoại lai khác. Chính vì vậy việc đầu tư trùng tu di tích Điện Thái Hòa đã được Đảng và Nhà nước xác định là nhiệm vụ cấp thiết nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa thế giới; góp phần thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế”.

Theo đó, Điện Thái Hòa sẽ được tu bổ, gia cường nền móng; phục hồi nền lát gạch, bậc cấp đá Thanh, tường gạch và chi tiết kiến trúc khác; tu bổ tường gạch, phục hồi màu sắc nguyên trạng; tu bổ, phục hồi hệ khung gỗ, hệ mái, hệ vách ván, cửa bằng gỗ; sơn son thếp vàng; mái lợp ngói; bờ mái và con giống khảm sành sứ; hệ thống trang trí pháp lam.

Ngoài ra, Dự án cũng tiến hành tu bổ, phục hồi ngai vàng, bửu tán và các đồ nội thất; tu bổ, gia cường, cân chỉnh toàn bộ sân nền khuôn viên Điện, hệ thống tường chắn đất, phục hồi lan can; tôn tạo vườn cây, tiểu cảnh; hệ thống điện chiếu sáng, trang trí, thoát nước, phòng cháy chữa cháy.

Di tích Điện Thái Hoà trong Đại nội Huế

Thời gian thực hiện dự án trong 4 năm, với tổng kinh phí dự kiến là 150 tỷ đồng, từ nguồn vốn Trung ương.

Trước đó, tháng 12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý hỗ trợ ngân sách trung ương để bảo tồn tu bổ, phục hồi khẩn cấp 2 công trình di tích có nguy cơ cao là Điện Thái Hòa và Thái Miếu. Thủ tướng đồng ý hỗ trợ ngay cho tỉnh Thừa Thiên Huế 100 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2020 để trùng tu, sửa chữa khẩn cấp Điện Thái Hòa do bị hư hỏng trong đợt bão lũ vừa qua.

Theo thẩm tra của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế, quy trình lập các thủ tục đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo tổng thể di tích Điện Thái Hoà thực hiện nhiều bước theo quy định của Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công và Luật Di sản văn hoá.

Để dự án sớm triển khai thi công trong năm 2021, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục. Mặt khác, đây là dự án nhạy cảm nên đề nghị chủ đầu tư phải tập trung nghiêm cứu, sưu tầm tư liệu, tham vấn ý kiến của các chuyên gia về mặt kiến trúc, mỹ thuật trong quá trình lập dự án để triển khai có hiệu quả.

Ngọc Anh

Bài liên quan
  • Diện mạo mới của Ngọ Môn Huế sau khi được làm sạch
    Những ngày này, khi đến với cố đô Huế, người dân và du khách không khỏi ngỡ ngàng khi tận mắt chứng kiến di tích cổng Ngọ Môn Huế khoác lên mình một “chiếc áo mới”. Sau 15 ngày thưc hiện, với việc sử dụng công nghệ hơi nước nóng (steam cleaning), các chuyên gia đến từ Đức đã làm sạch hoàn toàn các chất bẩn, nấm mốc, ô nhiễm bám trên bề mặt của Ngọ Môn Huế, đồng thời trả lại màu sắc nguyên thủy của nó từ khi xây dựng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư 150 tỷ đồng bảo tồn, trùng tu di tích Điện Thái Hoà – Đại nội Huế