Đẩy mạnh sử dụng vật liệu xây không nung
“Chương trình phát triển vật liệu xây không nung tại Việt Nam đến năm 2030” vừa được phê duyệt mới đây nhằm mục tiêu đẩy mạnh sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung để thay thế gạch đất sét nung, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất nông nghiệp. Đồng thời giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường; tận dụng phế thải từ các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội.
Mục tiêu cụ thể là đẩy mạnh sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế một phần gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 35-40% vào năm 2025, 40-45% vào năm 2030 trong tổng số vật liệu xây, đảm bảo tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình theo quy định; Giảm phát thải khí CO2 vào năm 2025 là trên 2,5 triệu tấn/năm và năm 2030 là trên 3 triệu tấn/năm (so với sản xuất gạch nung với khối lượng tương đương).
Ảnh minh họa.
Định hướng đầu tư phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung đến năm 2030, đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, tiết kiệm nguyên vật liệu, năng lượng; tăng cường đầu tư phát triển sản xuất các chủng loại sản phẩm vật liệu xây không nung tấm lớn, sản phẩm nhẹ, tính năng cao, phù hợp với điều kiện nguyên vật liệu và nhu cầu thị trường.
Để đạt được các mục tiêu trên, giải pháp đặt ra là nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, sản phẩm mới, các loại phụ gia cho sản xuất; Nghiên cứu phát triển sản xuất các sản phẩm vật liệu xây không nung tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng; Các sản phẩm tận dụng phế thải làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây không nung nhằm tiết kiệm tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường; Hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế – kỹ thuật liên quan đến vật liệu xây không nung.
Tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung trong công trình xây dựng giai đoạn đến năm 2025: Đối với các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung so với tổng lượng vật liệu xây tại TP.Hà Nội và TP.HCM sử dụng tối thiểu 90%.
Các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng, các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, các tỉnh Đông Nam Bộ: Tại các khu đô thị từ loại III trở lên sử dụng tối thiểu 80%, tại các khu vực còn lại sử dụng tối thiểu 70%.
Tại các đô thị từ loại III trở lên phải sử dụng tối thiểu 70% (trừ TP.Đà Nẵng, TP.Cần Thơ sử dụng tối thiểu 80%), tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50%.
Các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 80% vật liệu xây không nung so với tổng lượng vật liệu xây, trong đó ưu tiên sử dụng cấu kiện nhẹ, kích thước lớn.
Giai đoạn đoạn đến năm 2030: Đối với các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, sử dụng 100% vật liệu xây không nung so với tổng lượng vật liệu xây. Các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 90% vật liệu xây không nung so với tổng lượng vật liệu xây.
Đồng thời, Chương trình cũng đẩy mạnh tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công tác quản lý chất lượng và chất lượng các sản phẩm vật liệu xây không nung đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan nhằm thúc đẩy việc sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung.
Vật liệu xanh, thân thiện với môi trường
Thống kê của Bộ Xây dựng cho biết, ngành sản xuất vật liệu xây không nung hiện có khoảng 2.500 doanh nghiệp, đảm bảo khoảng 30% nhu cầu cho ngành vật liệu xây dựng.
Ông Phạm Văn Bắc – Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng nhận định, “sau 10 năm thực hiện Chương trình 567 (Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020), việc đầu tư, sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung ở nước ta đã có sự chuyển biến tích cực.
Các công nghệ mới, thiết bị mới sản xuất vật liệu xây không nung đã từng bước được đầu tư, phát triển. Các sản phẩm vật liệu xây không nung đa dạng phong phú về chủng loại, gồm gạch bê tông (gạch xi măng cốt liệu), gạch bê tông khí chưng áp, không chưng áp, gạch bê tông bọt, tấm bê tông rỗng đùn ép (Acotec), tấm tường bê tông khí chưng áp. Chất lượng sản phẩm vật liệu xây không nung từng bước được hoàn thiện và nâng cao.
Theo đó, hàng năm tiết kiệm được khoảng 7,5 triệu m3 đất sét, tương đương 375 ha đất khai thác ở độ sâu 2 m, giảm tiêu thụ khoảng 750.000 tấn than và giảm thải ra môi trường khoảng 2,85 triệu tấn CO2. Đây là kết quả ấn tượng góp phần giảm thải gây ô nhiễm môi trường và giảm quá trình suy giảm diện tích đất nông nghiệp.
Cũng trong trong giai đoạn 10 năm vừa qua, việc thực hiện xóa bỏ các lò gạch thủ công đã được các địa phương thực hiện rất quyết liệt. Đến nay, hầu hết các cơ sở sản xuất gạch bằng lò thủ công lạc hậu đã chấm dứt hoạt động. Nhiều địa phương hoàn thành sớm kế hoạch xóa bỏ các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, như TP.HCM, Thái Bình, Hải Dương…
Với nhiều lợi ích, vật liệu không nung đang được chú trọng phát triển mạnh và là xu thế phát triển tất yếu trong xây dựng. Các chủng loại vật liệu xây không nung đã được đầu tư, phát triển trong thời gian qua bao gồm: Gạch bê tông (gạch xi măng – cốt liệu); Gạch bê tông khí chưng áp, không chưng áp; Gạch bê tông bọt; Tấm bê tông rỗng đùn ép (Acotec); Tấm tường bê tông khí chưng áp…
Hồng Dương