(Moitruong.net.vn) – Theo tiến sĩ Nguyễn Khắc Kinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) – ngành giấy được xếp vào nhóm ngành có tiềm năng gây ô nhiễm cao, nhưng vẫn kiểm soát được nếu quản lý tốt.
>>>Sông Cửu Long: Đỉnh lũ có khả năng xuất hiện cuối tháng 9, đầu tháng 10
Ngành giấy được xếp vào nhóm ngành có tiềm năng gây ô nhiễm cao, nhưng vẫn kiểm soát được nếu quản lý tốt.
Nhà máy giấy hơn 3.000 tỷ đắp chiếu, bán lỗ 1.500 tỷ
Mới đây, tiến sĩ Nguyễn Khắc Kinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có cuộc trao đổi với phóng viên về câu chuyện khả năng gây ô nhiễm của ngành sản xuất giấy, ngành sử dụng công nghệ cao và vấn đề đánh giá tác động môi trường cho các dự án.
Tiến sĩ Kinh cho biết, ngành giấy được xếp vào nhóm ngành có tiềm năng gây ô nhiễm cao vì lượng nước thải ra rất lớn. Tùy theo công nghệ và sản phẩm, lượng nước cần thiết để sản xuất 1 tấn giấy thành phẩm dao động từ 80 m3 đến 450 m3. Nước được dùng cho các công đoạn rửa nguyên liệu, nấu, tẩy, xeo giấy và lò hơi. Ở các nhà máy giấy, hầu như tất cả lượng nước đưa vào sử dụng cuối cùng đều trở thành nước thải và mang theo các tạp chất như hóa chất, bột giấy, các chất ô nhiễm dạng hữu cơ và vô cơ. Trong đó dòng thải từ các quá trình nấu bột và tẩy trắng có mức độ ô nhiễm và độc hại cao nhất.
Kiểm soát ô nhiễm để phát triển công nghiệp giấy
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Kinh, hiện nay các cơ sở sản xuất giấy đã sử dụng công nghệ hiện đại nên nhiều người đã thay đổi cách nhìn, không phải cứ ngành giấy là gây ô nhiễm hoặc không phải cơ sở, nhà máy sản xuất giấy nào cũng gây ô nhiễm.
Theo tiến sĩ, một vấn đề “chặn đứng” ngay từ đầu của nhóm ngành có tiềm năng gây ô nhiễm cao như ngành giấy, đó là phải làm tốt khâu đánh giá tác động môi trường (ĐTM) ngay từ khi phê duyệt dự án. Khâu này rất quan trọng, nếu làm tốt, dự báo tốt tác động môi trường thì hoàn toàn có thể yên tâm với nhóm ngành có tiềm năng gây ô nhiễm này.
“Khi dự án định đầu tư vào khu vực nào đó thì cần phải đánh giá tác động môi trường hay còn gọi là dự báo tác động môi trường cho dự án. ĐTM sẽ đánh giá cơ sở này sử dụng công nghệ như nào, nguyên liệu đầu vào, nguồn nước thải, khí thải ra như nào. Từ đó sẽ phân tích nếu đạt mới cấp ĐTM” – tiến sĩ Kinh nói.
Ngoài ra, tiến sĩ Kinh phân tích thêm, một khâu quan trọng của ĐTM đó là phải đánh giá xem môi trường tiếp nhận (sông, suối, mương,…) nguồn nước thải có còn sức chịu tải không? Nghĩa là, nguồn nước thải công nghiệp thải ra môi trường tiếp nhận dù có đạt theo quy chuẩn 40/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì vẫn là nước thải, không thể đem đi xử lý để làm nước sinh hoạt được. Do đó, nếu môi trường tiếp nhận đã không còn sức chịu tải mà cứ đổ nguồn nước thải công nghiệp vào thì dẫu có đạt quy chuẩn 40/2011 vẫn có khả năng gây ô nhiễm.
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Kinh cho biết: Giai đoạn 20 năm (từ năm 1995-2015) – là giai đoạn đánh giá ĐTM còn khá nhẹ nhàng vì phần lớn môi trường tiếp nhận trên cả nước còn thoải mái do ít nhà máy, các con sông, con suối còn ít phải hứng nước thải. Nhưng giai đoạn hiện nay môi trường tiếp nhận nguồn nước thải công nghiệp đã và đang ở ngưỡng quá tải, nên cán bộ thực hiện ĐTM cần phải học tập thêm để nâng cao trình độ, từ đó đánh giá tác động môi trường cho các dự án mới có kết quả chính xác.
Một vấn đề cũng được tiến sĩ Kinh lưu ý trong khâu đánh giá tác động môi trường, đó là phải thu thập thông tin của các dự án đã được đánh giá trước đó mà chưa hoạt động và các dự án đang hoạt động ở khu vực, vì tất cả đều thải ra một môi trường tiếp nhận chung. Khi có đầy đủ thông tin như vậy thì đánh giá tác động môi trường cho một dự án mới trở thành một “bức tranh tròn trịa” được, sẽ không bị “méo mó”.
“Chúng ta xếp ngành giấy vào nhóm có tiềm năng gây ô nhiễm cao là để có cách quản lý cho tốt chứ không phải ngành này lúc nào cũng có cơ sở, nhà máy gây ô nhiễm, gây thảm họa môi trường. Chúng ta cần làm tốt khâu ĐTM, cơ sở sử dụng công nghệ hiện đại, quản lý tốt thì hoàn toàn yên tâm về vấn đề môi trường, từ đó doanh nghiệp cũng yên tâm làm ăn, thúc đẩy kinh tế phát triển” – tiến sĩ Kinh nói thêm.
Nói về quan điểm không phải cứ sử dụng công nghệ cao thì sẽ không gây ô nhiễm, tiến sĩ Kinh cho rằng, cơ sở nào có ô nhiễm hay không phải phụ thuộc rất nhiều yếu tố và đi đồng bộ với nhau như phân tích ở trên, nhưng đầu tiên phải là khâu đánh giá tác động môi trường – khâu sàng lọc. Ở các nước tiên tiến, cơ quan quản lý nhà nước không phải làm ĐTM, thì chủ dự án vẫn phải thuê các chuyên gia giỏi để đánh giá tác động môi trường, nếu không làm mà cứ đầu tư vào sau này ô nhiễm sẽ bị đuổi.
Cũng liên quan đến câu chuyện trên, một chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực môi trường của ngành giấy cho biết: Ở các nước tiên tiến hiện nay vẫn thu hút doanh nghiệp đầu tư cho ngành giấy.
Chính vì ngành giấy có tiềm năng gây ô nhiễm nên các doanh nghiệp đã rất chú trọng đầu tư cho công tác môi trường. Các chủ đầu tư phải đủ tiềm lực đầu tư cho công tác xử lý môi trường. Ngoài ra, khâu giám sát không chỉ trong quá trình đánh giá ĐTM mà còn phải công khai minh bạch trong quá trình hoạt động để tránh tình trạng có thể bị ăn bớt, cắt xén trong quá trình đánh giá.
“Trình độ cán bộ, chuyên gia ĐTM hiện khá tốt cùng với sử dụng công nghệ tốt, chính vì vậy phải đi song song cả 3 bước trên: ĐTM trước đầu tư để đánh giá năng lực nhà đầu tư có sử dụng công nghệ cao không? Chỉ số quan trắc tự động để cơ quan quản lý, nhân dân, báo chí đánh giá công khai, từ đó thì mới cho thu hút đầu tư” – vị chuyên gia trên phân tích.
Quang Hưng/Vietnamnet