Hiện tượng cá chết được người dân phát hiện từ ngày 26/5. Một người dân chứng kiến cho biết, nước trong hồ bỗng chuyển màu xanh sậm bất thường, cá chết có hiện tượng hai mắt sưng to.
Theo ghi nhận, trưa 27/5, nước trong hồ bốc mùi hôi tanh, trên mặt nước phía xa và gần bờ có nhiều xác cá rô phi đang phân hủy.
Cá chết bị phân hủy bốc mùi hôi thối
Một người dân sống gần hồ cho biết, cách đây 3 ngày đã có hiện tượng cá rô phi trong hồ bị chết nổi lên mặt nước, dạt vào bờ. Do khí hậu nắng nóng xác cá phân hủy rất nhanh bốc mùi hôi thối nồng nặc trong những ngày qua.
Lãnh đạo của Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Tam Kỳ cho biết, trong chiều nay, chúng tôi sẽ cử cán bộ xuống kiểm tra, và yêu cầu các công nhân vệ sinh môi trường vớt số lượng cá chết trong hồ đem đi tiêu hủy nhằm tránh gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời lấy mẫu đi xét nghiệm để xác định nguyên nhân khiến cá chết.
Đây không phải lần đầu tiên có hiện tượng cá chết tại Hồ điều hòa Nguyễn Du (Tam Kỳ)
Hồ điều hòa Nguyễn Du tại TP Tam Kỳ có diện tích khoảng 4 ha, và đây không phải lần đầu tiên xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt.
Hồ điều hòa Nguyễn Du nằm ngay trong lòng thành phố, nơi chứa nước thải của một loạt các cơ quan trên địa bàn, đặc biệt là các bệnh viện đóng trên địa bàn TP Tam Kỳ.
Theo một lãnh đạo Sở Tài nguyên – Môi trường khẳng định, độ pH nguồn nước các hồ điều hòa ở TP Tam Kỳ không đảm bảo cho việc bảo tồn và phát triển của động vật thủy sinh, đặc biệt là hồ Nguyễn Du. Nguồn nước có tính kiềm mạnh được xác định do hồ tiếp nhận lượng nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý, nước thải các bệnh viện lân cận xử lý nhưng chưa đạt yêu cầu.
Kết quả 12 đợt quan trắc năm 2014 tại hồ Nguyễn Du đều cho thấy, nguồn nước bị ô nhiễm amoni. Đặc biệt, mức độ ô nhiễm amoni có thời điểm vượt 39 lần giới hạn cho phép. Chất lượng nước các hồ điều hòa khu vực Tam Kỳ (hồ điều hòa Nguyễn Du, Duy Tân, hồ Ngã Ba) qua 4 năm (2010 – 2014) đều bị ô nhiễm. Hai năm gần đây, mức độ ô nhiễm tại hồ Nguyễn Du rất nghiêm trọng, không thấy suy giảm so với các năm trước.
Tình trạng ô nhiễm chất hữu cơ, amoni trên hồ Nguyễn Du gần đây có tính liên tục và kéo dài suốt trong năm. Trong khi đó, lượng dầu mỡ ở hồ Nguyễn Du đã vượt giới hạn cho phép nhiều lần. Đây là nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt và ô nhiễm không khí.
Hà Anh (T/h)