Diễn đàn Tổng biên tập năm 2022: Chuyển đổi số - Xu thế tất yếu tại các cơ quan báo chí Việt Nam

Minh Minh|05/11/2022 11:05
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Gần 60 Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đã cùng nhau tham dự Diễn đàn Tổng biên tập năm 2022 với chủ đề "Chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí Việt Nam: Xu thế tất yếu hay trào lưu nhất thời".

Ngày 4/11 tại Sầm Sơn (Thanh Hoá), Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn Tổng biên tập với chủ đề "Chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí Việt Nam: Xu thế tất yếu hay trào lưu nhất thời"

Các đồng chí: Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân; Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa; Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông; Phạm Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đồng chủ trì diễn đàn.

dd-tbt.jpg
Đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân phát biểu tại diễn đàn.

Tham dự có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa cùng gần 60 Tổng Biên tập, lãnh đạo các cơ quan báo chí trong cả nước. 

Diễn đàn lần này với chủ đề, “Chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí Việt Nam: Xu thế tất yếu hay trào lưu nhất thời?”. Các đại biểu sẽ thảo luận xung quanh việc làm thế nào để có thể thực hiện chuyển đổi số báo chí, chuyển đổi theo hướng nào, bài toán kinh phí, công nghệ sẽ được giải ra sao…

Mở đầu diễn đàn, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh chia sẻ: “Từ đầu đến năm nay, chuyển đổi số báo chí đã trở thành chủ đề rất nóng. Đã có nhiều hội nghị, hội thảo bàn về vấn đề này. Sự quan tâm của các cơ quan báo chí càng ngày càng tăng, rõ ràng là chúng ta không thể đứng ngoài công cuộc chuyển đổi số của cả nước. Nếu không muốn mất độc giả, khán thính giả và quan trọng hơn nếu không đi theo lộ trình này, chúng ta sẽ không thực hiện được sứ mệnh của mình là đưa đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước đến với những độc giả, trong nước và quốc tế".

Ông Minh mong muốn, chuyển đổi số báo chí không chỉ là trào lưu mới mà phải được lan toả, triển khai đến các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

Tại diễn đàn các đại biểu đã tập trung trao đổi, đánh giá chuyển đổi số có thực sự là xu thế tất yếu, chìa khóa phát triển; là con đường bắt buộc mà báo chí Việt Nam phải đi để đảm bảo sự sống còn; việc chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí Việt Nam đã và đang diễn ra như thế nào, trên những bình diện gì. Chuyển đổi số có là câu chuyện phù hợp với số đông các cơ quan báo chí hay chỉ dành cho các cơ quan báo chí có tiềm lực tài chính mạnh? Có mô hình chuyển đổi số nào phù hợp cho phần đa số các cơ quan báo chí tại Việt Nam hay không? Hay mỗi cơ quan báo chí phải tự xây dựng cho mình một mô hình chuyển đổi số riêng, phù hợp với đặc điểm, năng lực của từng tòa soạn? Việc chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí nên bắt đầu từ đâu, từ bộ phận sản xuất nội dung hay công tác bạn đọc, hành chính quản trị? Một quy trình sản xuất thông tin theo hướng chuyển đổi số thì phải triển khai theo cách thức nào? Để quá trình chuyển đổi số diễn ra hiệu quả hơn, các tòa soạn liệu có cần những cái bắt tay liên kết? Nếu có sẽ là liên kết theo hình thức nào? Sự ra đời của một thỏa thuận hỗ trợ chuyển đổi số giữa các tòa soạn với nhau có là điều cần thiết...

toan-canh.jpg
Toàn cảnh diễn đàn.

Kết luận diễn đàn đồng chí Lê Quốc Minh khẳng định: Trong bối cảnh kỷ nguyên số với rất nhiều sự thay đổi về công nghệ nói chung, công nghệ làm báo nói riêng, thay đổi hành vi của độc giả, khán thính giả, các cơ quan báo chí không còn con đường nào khác là số hóa, chuyển đổi số. Nếu không muốn bị “đào thải”, các báo cần chủ động thay đổi, hợp tác với các cơ quan truyền thông khác để tạo chỗ đứng, vị thế trong làng báo chí công nghệ. Chuyển đổi số rõ ràng là con đường mà báo chí phải bước đi, thậm chí là đi nhanh và quyết liệt, nếu không muốn bị tụt hậu, mất đi độc giả, khán thính giả và hậu quả đương nhiên là sự sống còn của chính cơ quan báo chí…

Trong bối cảnh báo chí nước ta hiện nay, để các tòa soạn có thể đổi mới và tham gia sâu vào quá trình chuyển đổi số, cần có bệ đỡ trong cơ sở pháp lý, bệ đỡ về đầu tư công nghệ, đào tạo nhân lực của Nhà nước và các cơ quan chức năng. Thực tế trên đòi hỏi lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, lãnh đạo các cơ quan báo chí phải tự xác định được nhu cầu của mình để xây dựng kế hoạch chuyển đổi số riêng đảm bảo khẳng định vị trí của cơ quan báo chí của mình trong lòng bạn đọc.

Diễn đàn Tổng biên tập 2022 mong muốn sự trao đổi thẳng thắn, những kinh nghiệm được chia sẻ tại diễn đàn sẽ mang đến một thông điệp ý nghĩa góp phần vào hành trình chuyển đổi số báo chí hôm nay.

Diễn đàn là nơi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động nghề nghiệp, là cơ hội để các nhà quản lý báo chí, các đồng chí lãnh đạo, các cơ quan báo chí cùng thảo luận làm rõ những vấn đề mang tính tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược về chuyển đổi số.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Diễn đàn Tổng biên tập năm 2022: Chuyển đổi số - Xu thế tất yếu tại các cơ quan báo chí Việt Nam