Điều chỉnh tăng thuế để giảm tiêu thụ rượu, bia đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế

Thanh Thanh|30/07/2024 20:43
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Chiều ngày 30/7, tại tọa đàm “Chính sách thuế với đồ uống có cồn” do Thời báo Tài chính Việt Nam tổ chức, các chuyên gia đều cho rằng, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng rượu, bia là cần thiết, cấp bách, không chỉ điều tiết tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe người dân mà còn phù hợp với thông lệ quốc tế.

Theo đó, tham dự tọa đàm có đại diện Bộ Tài chính; đại diện Tổng cục Thuế; các cơ quan quản lý nhà nước; các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện hiệp hội doanh nghiệp; lãnh đạo doanh nghiệp và nhiều cơ quan báo chí trên địa bàn TP. Hà Nội.

Phát biểu tại tọa đàm, bà Nguyễn Thúy Anh - Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) hiện hành quy định, thuế suất thuế TTĐB đối với rượu từ 20 độ trở lên là 65%; rượu dưới 20 độ là 35% và bia là 65%. Mặc dù mặt hàng bia và rượu đã được tăng thuế suất thuế TTĐB theo lộ trình từ năm 2016 - 2018, tuy nhiên, sức mua của người Việt Nam vẫn tăng do thu nhập tăng nhanh trong khi giá tăng rất chậm. Hiện, thuế và giá rượu, bia ở Việt Nam còn ở mức thấp.

toa-dam.jpg
Toàn cảnh tọa đàm “Chính sách thuế với đồ uống có cồn” do Thời báo Tài chính Việt Nam tổ chức

Theo tính toán của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thuế rượu, bia của Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi ở nhiều nước tỷ trọng thuế rượu, bia chiếm từ 40 - 85% giá bán lẻ. Do vậy, lộ trình tăng thuế TTĐB đối với rượu và bia từ năm 2016 - 2018 chưa đủ mạnh để tác động đến giảm tiêu dùng rượu bia. Trước mắt, cần tiếp tục tăng thuế để tăng giá bán lẻ rượu, bia lên mức ít nhất tỷ trọng thuế rượu, bia chiếm 40% giá bán lẻ.

Thời gian qua, tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam vẫn ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh. Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Y tế, rượu, bia là yếu tố xếp thứ 2 trong 10 yếu tố nguy cơ gây bệnh tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Đây cũng là nguyên nhân liên quan đến chấn thương, tai nạn giao thông, rối loạn tâm thần, xơ gan, bệnh tim mạch, ung thư, một số bệnh truyền nhiễm.

Không chỉ vậy, việc sử dụng, lạm dụng rượu, bia còn gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng về mặt xã hội như tai nạn giao thông, chấn thương, bạo lực gia đình, mất an ninh trật tự, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Ước tính chi phí trực tiếp cho tiêu dùng rượu, bia ở Việt Nam vào năm 2017 là 4 tỷ USD, gần bằng 7% số thu ngân sách nhà nước (chưa tính đến chi phí gián tiếp).

Chính vì vậy, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã đề ra nhiệm vụ: “Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hoá có hại cho sức khoẻ như đồ uống có cồn, có ga, thuốc lá để hạn chế tiêu dùng”. Ngoài ra, theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), trong vòng 3 năm kể từ ngày gia nhập, Việt Nam sẽ áp dụng một mức thuế suất % thống nhất với tất cả các sản phẩm bia không phân biệt bao bì đóng gói sản phẩm, nghĩa là bia tươi, bia hơi, bia chai hoặc bia lon.

Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 25/NQ-CP về đề nghị xây dựng Luật thuế TTĐB (sửa đổi) trong đó yêu cầu: “Nghiên cứu, chưa bổ sung vào chính sách 5 của đề nghị xây dựng Luật nội dung mới về phương pháp tính thuế hỗn hợp đối với mặt hàng rượu, bia bảo đảm phù hợp với Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ và cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO”.

Bên cạnh đó, tại đề nghị xây dựng Luật Thuế TTĐB đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí thông qua nguyên tắc tăng thuế, điều chỉnh tăng thuế suất thuế TTĐB (thuế tỷ lệ %) đối với mặt hàng rượu, bia theo lộ trình để tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị tăng thuế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Bà Nguyễn Thúy Anh cũng nhấn mạnh, việc tăng thuế TTĐB cũng nhằm mục tiêu giảm tỷ lệ uống rượu, bia ở Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu hạn chế tiêu dùng; đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế và góp phần đảm bảo thu ngân sách nhà nước.

Tại dự thảo tờ trình sửa đổi quy định đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng rượu, bia theo pháp luật chuyên ngành (Luật Phòng chống tác hại của rượu bia) và xây dựng 2 phương án tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia theo lộ trình từ năm 2026 đến năm 2030, Bộ Tài chính kiến nghị lựa chọn giải pháp là rượu từ 20 độ trở lên sẽ có mức thuế 80% vào năm 2026 và đạt mức 100% vào năm 2030. Với rượu dưới 20 độ, mức thuế 50% được triển khai từ năm 2026 và đến năm 2030 đạt mức 70%. Riêng mặt hàng bia, từ năm 2026 -2030 sẽ tăng 5%/năm, đạt mức 80% vào năm 2026 và đạt mức 100% vào năm 2030.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, giải pháp này sẽ làm tăng thu ngân sách nhà nước nhiều hơn vì giá bán năm 2026 sẽ tăng 20% so với năm 2025 và các năm tiếp theo mỗi năm giá bán sẽ tăng 2 - 3% so với năm trước để đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo mức độ lạm phát và gia tăng thu nhập của các năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, số thu thuế tiêu thụ đặc biệt cũng tăng nhanh hơn nhiều trong năm đầu tiên, các năm sau mức độ tăng có tốc độ chậm hơn. Giải pháp này có hiệu quả tức thì theo phương pháp tăng nhanh và mạnh ngay khi Luật có hiệu lực để mang lại tác dụng hiệu quả ngay trong việc giảm sử dụng.

Bài liên quan
  • Uống gì để giải rượu và giảm cảm giác khó chịu do rượu bia?
    Rượu, bia và các chất kích thích khác thường không thể thiếu trên các buổi tiệc mừng, liên hoan. Tuy nhiên, sau khi các cuộc vui chơi qua đi thì những cơn say sẽ khiến bạn cảm thấy chóng mặt, nôn mửa sẽ kéo đến. Vậy lúc này cần uống gì để giải rượu và nhanh chóng giảm bớt sự khó chịu?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Điều chỉnh tăng thuế để giảm tiêu thụ rượu, bia đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế