(Moitruong.net.vn) – Mấy năm trở lại đây, người dân Hà Nội đã quá quen thuộc với những dự án nhà giá rẻ của đại gia Lê Thanh Thản. Tuy nhiên, do cách làm thiếu khoa học, đồng bộ nên những chung cư của ông Thản đã trở thành nỗi ám ảnh của người mua nhà mỗi khi có sự cố cháy nhà xảy ra.
Năm 2012, tên tuổi Doanh nghiệp tư nhân số 1 Điện Biên (thuộc Tập đoàn Mường Thanh) được biết đến khi mở bán chung cư Đại Thanh chỉ 10 triệu đồng một m2. Với mức giá sốc này, lần đầu tiên ở Hà Nội có một dự án nhà thương mại giá dưới 500 triệu đồng, bằng một phần ba giá của dự án có vị trí tương đương. Nhờ vậy, chỉ sau một thời gian ngắn mở bán, hàng nghìn căn hộ tại dự án Đại Thanh giao dịch thành công.
Người mua nhà từng phải chịu khoản chênh 3-5 triệu đồng mỗi m2 khi mua nhà giá rẻ của Doanh nghiệp tư nhân số 1 Điện Biên, do ông Lê Thanh Thản làm Chủ tịch.
Nhiều sàn bất động sản, môi giới “sống khỏe” nhờ vào các dự án chung cư của ông Thản. Dù được coi là nhà giá rẻ, người mua không thể tiếp cận giá gốc của chủ đầu tư mà phải thông qua các sàn trung gian và chịu thêm giá chênh từ 2 đến 5 triệu đồng mỗi m2. Không ít nhà đầu tư đã giàu lên nhờ đầu tư vào những dự án của ông Thản và thu chênh lệch 100-300 triệu đồng chỉ sau vài tuần đến vài tháng. Không lâu sau đó, mặc cho những đồn đoán về khó khăn tài chính, công ty của ông Lê Thanh Thản liên tục mua lại nhiều dự án chậm tiến độ và triển khai một loạt dự án nhà giá rẻ với mức giá gốc chỉ trên dưới 15 triệu đồng quanh khu vực Linh Đàm, vành đai 3. Mỗi lần ông Thản cho ra sản phẩm mới lại tạo nên những cơn sốt giao dịch.
Trong bối cảnh không ít đại gia bất động sản sa lầy với hàng loạt dự án chậm tiến độ, chủ đầu tư, nhà thầu mắc kẹt giữa tiền vay ngân hàng, tiền trả nhân công, tiền mua vật liệu…, việc bán hàng “thần tốc” với hàng nghìn căn hộ trong thời gian ngắn của Điện Biên trở thành “hiện tượng” trên thị trường.
Nhiều chuyên gia từng cho rằng, doanh nghiệp của ông Lê Thanh Thản đã mở ra một trào lưu, hướng đi mới nhằm giải quyết bế tắc cho các chủ đầu tư trong giai đoạn thị trường khủng hoảng. Không ít chủ đầu tư sau đó cũng chuyển hướng sang phân khúc này để tìm ra lối thoát.
Thời điểm đó, ông Thản tiết lộ vớibáo chí, bí quyết để bán nhà thấp hơn thị trường nhưng vẫn có lãi là ở chỗ quản lý chặt chẽ vật tư và hạn chế các khâu không cần thiết. Thay bằng việc thuê đơn vị thiết kế hàng chục tỷ đồng thì đơn vị này tự làm để tiết giảm chi phí. Lãnh đạo cấp cao trong doanh nghiệp cũng chỉ đạo trực tiếp quá trình thi công dự án. Ngoài ra, đơn vị này tự sản xuất một số vật liệu để kiểm soát được chất lượng và giá thành.
Đặc biệt, một trong những kinh nghiệm mà ông Thản cho rằng quan trọng là không sử dụng đòn bẩy tài chính, không vay vốn ngân hàng để triển khai dự án để không chịu áp lực trả lãi, giá bán không bị đội quá cao. Cùng với đó, tiến độ xây dựng luôn được thúc nhanh để tiết giảm chi phí, nhanh thu tiền của người mua nhà. Nhờ giá bán rẻ, tiến độ xây dựng nhanh nên “chung cư ông Thản” đã trở thành lựa chọn của nhiều gia đình trẻ.
Tuy nhiên, việc triển khai ồ ạt dự án có quy mô lớn cùng với chiến lược tiết kiệm, cắt giảm chi phí để cạnh tranh về giá thành cũng khiến chủ đầu tư này đối mặt với không ít thách thức khi một loạt sự cố xảy ra tại các dự án khiến doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ bị khởi tố do có dấu hiệu trốn thuế, vi phạm quy định về quản lý nhà ở tại 12 dự án tại Hà Nội.
Những dự án chung cư giá rẻ của Lê Thanh Thản đều vi phạm quy định về PCCC.
Trước khi cơ quan quản lý đi đến xem xét quyết định này, tại các dự án do Doanh nghiệp tư nhân số 1 Điện Biên đã nhiều lần xảy ra sự cố nghiêm trọng về cháy nổ, tình trạng xây vượt tầng, xây dựng không đúng quy hoạch, sập giàn giáo công trình… Ở những dự án đã đưa vào vận hành thì bên cạnh câu chuyện chất lượng công trình còn xảy ra tình trạng quá tải về hạ tầng tiện ích do lượng cư dân sinh sống vượt xa so với quy hoạch ban đầu. Những sự cố mang tính dây chuyền tại nhiều dự án khiến từ cuối năm 2015, UBND TP Hà Nội đã ra quyết định dừng cấp phép dự án mới của chủ đầu tư này.
Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản chia sẻ, với cách làm của ông Lê Thanh Thản, nếu là một dự án quy mô nhỏ thì có thể làm được. Tuy nhiên, với những công trình quy mô hàng chục tầng với cả nghìn căn hộ và tâm lý thúc tiến độ càng nhanh càng tốt thì dễ dẫn tới tình trạng “vỡ trận” khi không kiểm soát được chất lượng công trình.
“Đó là chưa kể, có thời điểm chủ đầu tư này triển khai nhiều dự án lớn cùng lúc, nếu vẫn giữ quan điểm tiết kiệm chi phí không đúng cách thì việc không đảm bảo chất lượng dự án là hoàn toàn có thể xảy ra”, vị này nói.
Bên cạnh câu chuyện chất lượng công trình do những sự cố liên tiếp, sự quá tải về hạ tầng khiến “chung cư ông Thản” giờ không chỉ là nỗi ám ảnh của người mua nhà mà còn cả đối với cơ quan quản lý, chính quyền địa phương. Giống như lời lãnh đạo một phường – nơi có dự án của ông Thản cho hay, tính riêng dân số 12 tòa nhà đã bằng cả một phường trước đây. Điều đó gây áp lực không nhỏ về trường học, bệnh viện, không gian sinh hoạt cộng đồng, nơi đỗ xe…
Ngọc Tuyên(VNE)