Đồng Nai: Tăng cường thu gom, tái chế, xử lý rác thải nhựa

Hoàng Anh|13/08/2023 08:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Đồng Nai phấn đấu tăng tỷ lệ thu gom, tái chế, xử lý rác thải nhựa từ 64,8% lên 85%. Muốn đạt được mục tiêu này, cần thực hiện tốt việc phân loại rác thải tại nguồn.

Hiện mỗi ngày Đồng Nai phát sinh khoảng 3,6 ngàn tấn rác thải các loại, trong đó có gần 2 ngàn tấn rác thải sinh hoạt. Trong số này, tỷ lệ rác thải nhựa chiếm từ 6-8% (tương đương từ 120-140 tấn/tổng lượng rác thải sinh hoạt/ngày). Rác thải nhựa bao gồm các loại: chai lọ, ly muỗng, bao bì, túi đựng hay các sản phẩm nhựa gia dụng… So với nhiều địa phương khác thì lượng rác thải nhựa ở Đồng Nai là khá lớn. Tuy nhiên, Đồng Nai là tỉnh đông dân, với 3,2 triệu dân thì lượng rác sinh hoạt thải ra nhiều tương ứng, rác thải nhựa vì thế cũng nhiều hơn.

rac-thai-tai-nguon.jpg
Ảnh minh họa

Thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TU ngày 24-3-2020 của Ban TVTU về Tăng cường sự lãnh đạo thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn và thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sau khi được phân loại trên địa bàn tỉnh, 11 huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai và hướng dẫn 100% các xã, phường về thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, trong đó mở rộng phạm vi thực hiện tại 160 phường, xã thị trấn. Hiện tỷ lệ số hộ dân tham gia thực hiện phân loại rác thải tại nguồn là 43%. Tuy nhiên, khối lượng rác thải sinh hoạt sau phân loại chỉ đạt 21,5%.

Đồng Nai đang phấn đấu giảm tỷ lệ chôn lấp rác thải xuống dưới 15%. Do đó chỉ có phân loại rác thải tại nguồn mới có thể đạt mục tiêu này.

Nguyên nhân là do công tác chỉ đạo, triển khai và hoạt động truyền thông về thực hiện phân loại rác thải tại nguồn chưa thật hiệu quả; các địa phương thiếu sự đôn đốc, quyết liệt và nghiêm túc khi chưa xem hoạt động phân loại rác tại nguồn là thiết thực; phần lớn người dân chưa nhận thức được phân loại rác tại nguồn là cần thiết và ích lợi cho môi trường nên chưa duy trì hoạt động này bền vững. Trong khi đó, công tác kiểm tra, giám sát, nhắc nhở, xử lý những trường hợp vi phạm chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục. Ngoài ra, việc thiếu đồng bộ trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác sau phân loại, dẫn đến tỷ lệ phân loại rác tại nguồn chưa đạt như mong muốn.

Đồng Nai đang thực hiện bổ sung, thay đổi Quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2050, trong đó tập trung nhiều giải pháp như: chính sách khuyến khích, ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư công nghệ xử lý, tái chế chất thải nhựa thành sản phẩm hữu ích sử dụng trong nước và xuất khẩu; truyền thông nâng cao nhận thức người dân về tác hại của rác thải nhựa và tuyên truyền đến các cá nhân, tổ chức hạn chế sử dụng đồ nhựa, thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần bằng các nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, tái sử dụng đồ nhựa sau khi dùng thành các vật hữu ích khác để hạn chế thải chúng ra môi trường.

Đặc biệt là triển khai có hiệu quả 100% hộ dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, nhằm giảm thiểu tổng lượng rác thải nhựa ra ngoài môi trường, từ đó hạn chế được tình trạng ô nhiễm “trắng” (ô nhiễm do rác thải nhựa) - vốn đang là vấn đề nan giải của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Bài liên quan
  • Chủ động ứng phó với lũ khẩn cấp trên các sông ở Đồng Nai
    Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Nai cho biết Công ty thủy điện Đồng Nai 5-TKV sẽ tăng lưu lượng xả nước tại đập thủy điện làm mực nước tiếp tục tăng cao, nguy cơ ngập lụt, khả năng xảy ra các thiên tai khác đi kèm ở những khu vực thấp ven sông Đồng Nai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng Nai: Tăng cường thu gom, tái chế, xử lý rác thải nhựa