Dự báo dịch COVID-19 sẽ kéo dài hơn, gây tác động trên diện rộng

Hoa Lê|17/07/2021 01:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định, đợt dịch COVID-19 lần này sẽ kéo dài hơn trước, gây tác động trên diện rộng. Nguyên nhân là do biến chủng Delta lây lan nhanh, tốc độ tấn công tăng gấp 2-3 lần so với các đợt dịch trước.

Sáng 16/7, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến phòng chống dịch Covid-19 với 63 tỉnh, thành phố và được kết nối tới 130 điểm cầu. Cuộc họp nhằm đánh giá, rà soát những kịch bản phòng dịch trong thời gian qua, đặc biệt là chuẩn bị cho tình hình dịch phức tạp hơn.

Chủng Delta lây lan nhanh, tốc độ tấn công tăng gấp 2-3 lần

Tính từ 27/4 tới sáng nay, số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước là 38.726 ca tại 58 tỉnh, thành phố, trong đó có 6.914 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Riêng TP HCM có gần 22.000 ca bệnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết các địa phương, đặc biệt là TP HCM, các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, đang đối mặt với sự bùng phát rất phức tạp, có thể gia tăng nhiều trường hợp mắc và tử vong trong thời gian tới.

Bộ trưởng nhận định đợt dịch này sẽ kéo dài hơn so với các đợt dịch trước, gây tác động trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, phát triển kinh tế xã hội, nhất là các tỉnh miền Nam. Bộ Y tế đã thành lập Bộ phận thường trực chính đặt ở TP HCM, 7 bộ phận thường trực còn lại của Bộ đặt ở các tỉnh có diễn biến phức tạp, cùng địa phương chỉ đạo sát sao phòng chống dịch.

Các đợt dịch trước chỉ một đến một tháng rưỡi là kết thúc nhưng đợt dịch này biến chủng Delta lây lan nhanh, tốc độ tấn công tăng gấp 2-3 lần so với các đợt dịch trước, do tốc độ bám dính đối với tế bào vật chủ, khả năng nhân lên nhanh với số lượng lớn trong tế bào dẫn đến việc phá hủy tế bào, phát tán mầm bệnh ra môi trường xung quanh trong thời gian ngắn. “Chu kỳ lây nhiễm hiện nay chỉ còn 2 ngày chứ không phải 5 ngày như trước đây tính toán”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trần Minh

Dù đã có các biện pháp quyết liệt, cố gắng nhưng Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá “chưa được như mong muốn, đòi hỏi sự cố gắng hơn”. Ông Nguyễn Thanh Long cho rằng tình hình dịch tiếp tục gia tăng, kéo dài, phức tạp nhất là các tỉnh phía Nam. “Tại một số địa phương dù đã triển khai Chỉ thị 16 nhưng chưa đầy đủ, nghiêm túc, chưa quyết liệt, nhiều khi còn chần chừ, nấn ná. Có nơi vẫn có tình trạng đi lại nhộn nhịp, chợ vẫn họp đông… Một số khu công nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của Bộ Y tế. Có địa phương chưa tập trung, chưa kiểm tra, giám sát chặt, chưa thực hiện xét nghiệm tầm soát trên diện rộng” – ông nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng tâm thế chuẩn bị cho tình huống dịch lan rộng, kéo dài, phức tạp, chúng ta một số nơi còn lần chần. Một số nơi vẫn còn trông chờ vào Trung ương, ngại mua sắm. Vì thế, Bộ trưởng đề nghị các địa phương đánh giá rà soát lại các kịch bản đã đưa ra, chuẩn bị cho tình hình dịch phức tạp hơn.

Đàm phán thành công được khoảng 170 triệu liều vắc xin phòng Covid-19

Liên quan đến công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam đã đàm phán thành công được khoảng 170 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 từ các nguồn khác nhau.

Tuy nhiên, do mức độ khan hiếm của vắc xin toàn cầu, nên dù đã có những hợp đồng mua từ tháng 11/2020, có những cam kết thỏa thuận từ tháng 9/2020 nhưng đến nay nước ta mới có vắc xin. Tình trạng này sẽ tiếp tục kéo dài đến tháng 9/2021.

Riêng trong tháng 7/2021, nước ta sẽ tiếp nhận khoảng gần 8,9 triệu liều. Tính đến ngày 13/7, Bộ Y tế đã phân bổ 11 đợt vắc xin phòng Covid-19 với tổng số hơn 8,16 triệu liều cho các đơn vị, địa phương.

Toàn bộ số vắc xin tiếp nhận đã được phân bổ theo nguyên tắc công bằng, minh bạch, ưu tiên cho các tỉnh, thành phố đang có dịch, các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đông công nhân và dân cư…

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trước mắt, Bộ Y tế ưu tiên phân bổ vắc xin cho các tỉnh, thành phố có dịch, các đầu tàu phát triển kinh tế – xã hội để bảo đảm đạt được mục tiêu “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế – xã hội”.

“Khi có vắc xin được phân bổ về, các tỉnh, thành phố phải triển khai ngay kế hoạch tiêm chủng, lựa chọn tiêm đúng đối tượng theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ. Cùng với đó, quyết định về đối tượng tiêm của địa phương phù hợp”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Trong ngày 15/7, có thêm 21.815 người được tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Như vậy, tổng cộng đã thực hiện tiêm chủng được hơn 4,18 triệu liều vắc xin, trong đó, số người đã được tiêm 1 mũi là hơn 3,89 triệu và hơn 294.000 người đã được tiêm đủ 2 mũi.

Hoa Lê

Bài liên quan
  • Ân tình Quảng Bình gửi thành phố Hồ Chí Minh
    Moitruong.net.vn – Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang diễn biến hết sức phức tạp và có nguy cơ kéo dài, nhiều người lao động phải nghỉ việc, giảm thu nhập. Bữa ăn hàng ngày vì thế mà gặp nhiều khó khăn, bởi cuộc sống mùa Covid giá cả leo thang, nhu yếu phẩm thiếu thốn, khan hiếm, đặc biệt là trong những khu cách ly, phong tỏa. Hiểu thấu những khó khăn và vất vả đó, người dân Quảng Bình đã chung tay hỗ trợ, kêu gọi, phát động các chương trình quyên góp, ủng hộ nhu yếu phẩm gửi đến thành phố mang tên Bác và miền Nam để vượt qua đại dịch Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự báo dịch COVID-19 sẽ kéo dài hơn, gây tác động trên diện rộng