Đức phải mở kho dự trữ nhiên liệu chiến lược vì hạn hán kéo dài

Võ Tùng (t/h)|30/10/2018 13:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Một số đoạn trên sông Rhine trơ đáy vì hạn hán. (Ảnh: Petrotimes)

Hạn hán kéo dài vài tuần qua đã hạn chế việc vận chuyển trên sông Rhine buộc Chính phủ Đức phải cho phép sử dụng một số dự trữ nhiên liệu chiến lược.

>>>Gần 1 triệu người châu Âu tử vong mỗi năm do ô nhiễm không khí

>>>Áp dụng công nghệ tưới nước tiên tiến giúp nâng cao năng suất chất lượng và bảo vệ môi trường

Trong một nghị định có hiệu lực vào ngày 27/10, chính phủ Berlin đã cho phép mở các kho dự trữ xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay ở một số khu vực dọc theo sông Rhine, nơi mực nước đang ở mức thấp lịch sử.

Đây là lần thứ tư trong 40 năm qua, các kho dự trữ chiến lược đã được mở. Ở Cologne, mực nước sông Rhine ngày 26/10 đo được là 73 cm, gần với mức thấp lịch sử. Hầu như ở khắp mọi nơi trên con sông dài nhất ở Đức tình hình đều giống nhau. Trong vài tuần qua, các tàu chở hàng đã phải giảm đáng kể trọng lượng hàng hóa để tránh bị mắc cạn, và một số xà lan không thể đi lại ở một số khu vực của sông Rhine nữa.

Trước tình hình đó, chính phủ Đức đã cho phép mở các kho dự trữ nhằm cung cấp nhiên liệu cho hoạt động địa phương gồm có kho nhiên liệu máy bay tại sân bay Frankfurt và một số kho trữ lượng khí đốt và dầu diesel tại Cologne, Hesse, Rhineland-Palatinate và Baden -Wuerttemberg.

Một phát ngôn viên của Bộ Kinh tế Đức cho biết, đây là một biện pháp “phòng ngừa”, và sẽ không có “khủng hoảng nguồn cung cấp kéo dài”. Theo luật của Đức về dự trữ nhiên liệu, chính phủ có thể sử dụng các kho dự trữ nhiên liệu trong vòng 6 tháng để “khắc phục tình trạng khủng hoảng địa phương”.

Mùa hè này, nhiệt độ trên 30°C và lượng mưa rất hạn chế đã khiến tình hình hạn hán trở nên trầm trọng nhất tại Đức kể từ năm 1881. Theo các nhà chức trách Đức, đây có thể là do tác động ​​của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Võ Tùng (t/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Đức phải mở kho dự trữ nhiên liệu chiến lược vì hạn hán kéo dài
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.