Giải pháp giảm ô nhiễm sông Nhuệ – Đáy

Theo Hà Nội Mới|19/12/2016 09:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

Sông Nhuệ – Đáy ngày càng bị ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân các địa phương dọc lưu vực. Khắc phục tình trạng này, TP Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp để giảm ô nhiễm, nâng cao chất lượng nước.

Theo kết quả giám sát mới nhất của Bộ NN&PTNT, chất lượng nước sông Nhuệ từ cầu Diễn đến đập Đồng Quan rất thấp: Hàm lượng COD, BOD5 đều vượt quá giới hạn từ 2,2 đến 9 lần; chỉ số DO có giá trị nhỏ hơn 1mg/l; hàm lượng NH4 vượt quá giới hạn từ 0,4 đến 11 lần; hàm lượng vi khuẩn Coliform vượt quá giới hạn từ 1,5 đến 30 lần… Đây chính là nguyên nhân gây ra sự cố môi trường vùng hạ lưu sông Nhuệ thời gian vừa qua.

Khắc phục tình trạng trên, ngày 11-7-2016, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 133/KH-UBND về thực hiện Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy đến năm 2020. Theo kế hoạch, thành phố sẽ tập trung thực hiện nhóm giải pháp: Phòng ngừa, ngăn chặn phát sinh nguồn gây ô nhiễm môi trường; kiểm soát, xử lý, giảm các nguồn gây ô nhiễm; cải tạo, phục hồi khu vực đã bị ô nhiễm; đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật xử lý chất thải trên lưu vực sông; quy hoạch hành lang cây xanh; tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường; tăng cường năng lực quản lý môi trường của các cấp, ngành…

Trong giai đoạn 2016-2020, thành phố sẽ ưu tiên đầu tư các dự án: Cải tạo chất lượng nước ao, hồ nội thành tại các tiểu vùng đô thị thuộc lưu vực sông Nhuệ – Đáy; hoàn thiện công trình xử lý nước thải tập trung tại xã Dương Liễu, Vân Canh, Sơn Đồng (Hoài Đức), Phú Đô (Nam Từ Liêm), Yên Xá (Thanh Trì); nạo vét, khơi thông dòng chảy, làm “sống lại” đoạn sông từ đập Đáy đến Ba Thá; nạo vét, chỉnh trang, nâng cấp đê sông Nhuệ; cải tạo lòng dẫn sông Đáy để đưa nước thường xuyên về đoạn từ đập Đáy đến Mai Lĩnh – Ba Thá trong mùa nước kiệt…

song-nhue-o-nhiem
Nguồn nước sông Nhuệ ô nhiễm nặng nề ảnh hưởng cuộc sống người dân

Thực hiện kế hoạch trên, thành phố giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành liên quan; trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức điều tra, bổ sung và cập nhật các nguồn thải vào lưu vực sông Nhuệ – Đáy; xây dựng bản đồ phân bố nguồn thải; cập nhật, chia sẻ thông tin, dữ liệu nguồn thải, diễn biến môi trường nước trên lưu vực sông…

Đối với hoạt động kiểm soát nguồn thải, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường 80 dự án. Sở Tài nguyên và Môi trường đã duyệt kế hoạch bảo vệ môi trường 28 dự án; duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết 44 cơ sở. Các quận, huyện, thị xã đã xác nhận 57 đề án, 185 kế hoạch bảo vệ môi trường. Lực lượng chức năng của thành phố tổ chức thanh tra, kiểm tra 264 cơ sở, phát hiện 34 cơ sở vi phạm xả nước thải, phạt gần 693 triệu đồng; thu gần 420 triệu đồng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp…

Về xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý nước thải sinh hoạt, dự kiến đến năm 2020, TP Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng các nhà máy với tổng công suất 986.300m3/ngày, đêm (đạt khoảng 76,6% khối lượng nước thải cần xử lý). Trước mắt, TP Hà Nội tập trung thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá, công suất 270.000m3/ngày, đêm và hệ thống thu gom nước thải. Hiệu quả dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2014-2015 cũng sẽ được nghiên cứu, đánh giá để rút kinh nghiệm triển khai trong giai đoạn 2016-2020.

Hiện trên địa bàn thành phố có 43 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, trong đó 10 cụm đã xây dựng hệ thống nước thải tập trung; 14 cụm đang triển khai đầu tư, xây dựng trạm xử lý. Đến năm 2020, Hà Nội sẽ hoàn thành xây dựng các trạm xử lý nước thải công nghiệp. Đối với việc xử lý nước thải làng nghề, Nhà máy Xử lý nước thải tập trung Cầu Ngà với công suất 20.000m3/ngày, đêm đã được đưa vào hoạt động trong tháng 10 vừa qua.

Từ năm 2017, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng các dự án trên địa bàn xã Sơn Đồng, Vân Canh (Hoài Đức), Thanh Thùy (Thanh Oai), Phùng Xá (Mỹ Đức). Bên cạnh đó, thành phố sẽ hỗ trợ kinh phí cho 20 làng nghề có mức độ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng để xây dựng công trình xử lý nước thải đầu mối của khu thu gom nước thải tập trung cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình…

Để giảm ô nhiễm nước và đất, 7 năm trở lại đây, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã giao Quỹ Bảo vệ môi trường thực hiện nhiều chương trình, chiến dịch truyền thông sâu, rộng với chủ đề “Hãy sử dụng túi thân thiện với môi trường”, “Hạn chế sử dụng túi ni lông vì môi trường”… Nhờ đó, ý thức, trách nhiệm của nhân dân nâng cao, từng bước loại bỏ thói quen sử dụng túi ni lông gây ô nhiễm môi trường…

Theo Hà Nội Mới


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Giải pháp giảm ô nhiễm sông Nhuệ – Đáy
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.