Giải pháp quản lý chất cấm và lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm

11/07/2016 01:50
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)– Ngày 05/07/2016, tại Nghệ An, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nghệ An tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề: “Giải pháp quản lý chất cấm và lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm”.
05072016
Các báo cáo của Diễn đàn tập trung vào một số nội dung chính như: Công tác quản lý, giám sát chất lượng thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm các tỉnh Bắc Trung bộ và ĐBSH; Hiệu quả mô hình nuôi tôm theo VietGap giai đoạn 2011-2015 trong phát triển ngành nuôi trồng thủy sản; Nguyên tắc sử dụng thuốc kháng sinh hóa chất để sản phẩm NTTS đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sử dụng một số thảo dược thay thế kháng sinh trong NTTS; Quy trình nuôi tôm sạch và bền vững (không sử dụng kháng sinh, hóa chất khử trùng, diệt tạp, diệt giáp xác); Công tác quản lý chất cấm và thuốc kháng sinh trong NTTS tại Nghệ An; Tình hình sử dụng thuốc kháng sinh, chế phẩm sinh học trong NTTS tại Thanh Hóa và giải pháp khắc phục…
Theo báo cáo của Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản, trong năm 2014, 2015, Việt Nam đã phát hiện một số mẫu chứa dư lượng hóa chất kháng sinh cấm, dư lượng hóa chất kháng sinh hạn chế sử dụng vượt mức giới hạn tối đa cho phép. Đối với các trường hợp phát hiện mẫu vi phạm, các cơ quan kiểm tra đã có văn bản thông báo cảnh báo, yêu cầu cơ sở điều tra xác định nguyên nhân, khắc phục sự cố theo quy định. Nguyên nhân được xác định là do một số cơ sở nuôi sử dụng kháng sinh cấm trong quá trình nuôi, một số cở sở nuôi chưa tuân thủ đúng quy định về thời gian ngưng sử dụng thuốc kháng sinh để trị bệnh cho thủy sản trước khi thu hoạch.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai dự án khuyến nông Xây dựng mô hình nuôi tôm theo GAP giai đoạn 2011-2015 đã đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển Ngành nuôi trồng thủy sản trong thời gian qua, góp phần vào việc khống chế dịch bệnh, nâng cao hiệu quả kinh tế. Việc ứng dụng CNSH trong nuôi tôm he thương phẩm hiện nay được coi là một giải pháp hỗ trợ mang tính tất yếu để ngành nuôi tôm công nghiệp tại nhiều nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng ổn định và phát triển bền vững. Việc lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi tôm thâm canh hiện nay đã phá vỡ cân bằng sinh thái và tác động xấu đến môi trường, chất lượng sản phẩm kém và tồn lưu các hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng đang tạo nên rào cản trong việc xuất khẩu tôm Việt Nam ra thị trường thế giới.
Tại Diễn đàn, Ban cố vấn đã nhận được 39 câu hỏi của bà con nông dân tập chung vào các vấn đề như tác hại của kháng sinh đối với tôm nuôi, cách phòng trị bệnh đối với tôm chân trắng, lưu ý khi sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản, quản lý chất lượng tôm giống, cách xử lý tảo trong nuôi thủy sản…
Kết luận Diễn đàn, ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã đưa ra một số giải pháp chính để quản lý chất cấm, chống lạm dụng kháng sinh trong NTTS góp phần đảm bảo ATTP như: Thiết kế và xây dựng vùng nuôi, quy hoạch vùng nuôi theo hướng an toàn thực phẩm; Tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết theo chuỗi, thành lập HTX, tổ hợp tác; Tăng cường quản lý chất lượng con giống, cơ sở sản xuất giống, chế phẩm sinh học, thức ăn…; Tăng cường quan trắc cảnh báo môi trường để hạn chế thiệt hại; Tăng cường quản lý thuốc kháng sinh, phòng trừ dịch bệnh – để nâng cao hiệu quả cho người NTTS; Tăng cường nghiên cứu để tạo ra các giống mới chất lượng cao, thời gian nuôi ngắn, kháng bệnh tốt; Tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Giải pháp quản lý chất cấm và lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.