Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh cần nhiều hơi thở cuộc sống hơn

Huyền Trâm  (T/h)|04/08/2019 01:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Giáo dục đạo đức, lối sống vừa bồi dưỡng nhận thức về các chuẩn mực xã hội mà còn góp phần định hình, phát huy phẩm chất cần thiết của nhân cách con người.

Trong phiên họp của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2021 và Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016-2021, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh phổ thông được đưa ra thảo luận.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ cho biết, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý đầy đủ để thực hiện công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh sinh viên.

Bộ cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện đổi mới chương trình giáo dục, trong đó đặc biệt quan tâm tới nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh.

Đạo đức và tri thức phải là hồn cốt trong triết lý của giáo dục, Ảnh minh họa

Nhìn nhận một số kết quả quan trọng trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, Bộ trưởng cho biết, chương trình, nội dung, hình thức giáo dục đạo đức, lối sống đã có nhiều đổi mới, phù hợp hơn ở từng cấp bậc học.

Hoạt động chào cờ và hát Quốc ca tại các buổi lễ trong trường học đã được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, toàn thể cán bộ, nhà giáo, học sinh trực tiếp hát Quốc ca. Các nhà trường quan tâm xây dựng khuôn viên, cảnh quan nhà trường xanh, sạch, đẹp; phân công học sinh trực nhật lớp, vệ sinh trường học, khu vực quanh trường, chăm sóc cây xanh.

“Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế: Nội dung giáo dục đạo đức chưa thiết thực; công tác quản lý ở một số trường học còn bất cập; công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong giáo dục học sinh chưa chặt chẽ; một bộ phận học sinh có biểu hiện lệch lạc về đạo đức, lối sống; tình trạng bạo lực học đường vẫn còn diễn ra ở một số địa phương gây bức xúc, lo lắng cho xã hội” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, thời gian tới Bộ GD&ĐT tiếp tục quán triệt, chỉ đạo đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

GS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục cho rằng, vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống không thể giải quyết được nếu “đóng khung” trong trường học. Không nên và không thể dồn hết trách nhiệm cho các trường.

Ông Thanh lí giải, khái niệm trường học và học tập trong bối cảnh hiện nay hoàn toàn khác. Các hình thức giáo dục, học tập ngoài trường học phổ biến hơn bao giờ hết, cho nên, việc giáo dục về đạo đức, lối sống cho học sinh cũng cần có sự tham gia với trách nhiệm của cả nhà trường, gia đình và xã hội.

“Việc này không thể làm được bằng khẩu hiệu chung chung như trước nay vẫn nói là “phối hợp nhà trường, gia đình và xã hội”, mà cần có những điều chỉnh cụ thể trong các hướng dẫn thực hiện Luật giáo dục, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật báo chí, Luật điện ảnh, Luật Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em và các quy định pháp luật khác” – ông Thanh nêu quan điểm.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, nếu như trước đây giáo dục trong trường là quan trọng, thì hiện nay ngoài trường quan trọng hơn.

Huyền Trâm  (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh cần nhiều hơi thở cuộc sống hơn