Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa gửi công văn đến các bộ Tài chính, Công thương, Công an, Giao thông vận tải, thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, UBND các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lâm Đồng về việc hỗ trợ, tạo điều kiện sản xuất tằm tơ.
Theo Bộ NN&PTNT, hiện nay cơ cấu giống tằm có hai loại chính: giống lưỡng hệ kén trắng cho chất lượng tơ cao và giống đa hệ kén vàng cho chất lượng tơ thấp hơn, chủ yếu phát triển ở các tỉnh phía Bắc. Trong những năm qua, Việt Nam đã hoàn toàn chủ động được giống tằm đa hệ kén vàng.
Người nuôi tằm tại các tỉnh Tây Nguyên đang gặp nhiều khó khăn, sản xuất đình trệ. Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, tại Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên chủ yếu nuôi giống tằm lưỡng hệ kén trắng, nhưng trong nước chỉ cung ứng được khoảng 10% nhu cầu giống, còn khoảng 90% phải nhập khẩu từ Trung Quốc (trong đó, tỉnh Quảng Tây có giống tằm lưỡng hệ năng suất cao, rất phù hợp với điều kiện của Việt Nam) qua hai tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn.
Bộ Nông nghiệp đưa ra đề xuất trên trong bối cảnh các hộ dân không thể nhập được giống tằm lưỡng hệ kén trắng dẫn đến hoạt động sản xuất bị gián đoạn, do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Để tháo gỡ khó khăn trong việc cung cấp nguồn giống tằm, Bộ NN&PTNT đề nghị các bộ, ngành, thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, UBND các tỉnh xem xét, tạo điều kiện thuận lợi trong việc nhập giống tằm để phục vụ kịp thời phát triển ngành dâu tằm tơ Việt Nam.
>>>Xem thêm:Nông nghiệp là ngành tổn thương nhiều nhất do dịch virus Corona
Trước đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng và Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam đã đề xuất Bộ Nông nghiệp tháo gỡ những khó khăn về nguồn cung ứng giống tằm tại tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên.
Lâm Đồng là địa phương đứng đầu cả nước về sản lượng sản phẩm dâu tằm tơ, chiếm 80% với hơn 8.500 ha và khoảng 15.000 hộ trồng dâu nuôi tằm, trong đó có gần 200 cơ sở nuôi tằm con tập trung.
Lê Mai (t/h)