Gói bánh Chưng ngày Tết – Nét văn hóa lâu đời của người Việt

Tuấn Linh|22/01/2020 02:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Bánh chưng xuất hiện từ rất lâu đời trong văn hóa đời sống của người Việt Nam từ hàng nghìn năm trước. Bánh chưng đóng một vai trò quan trọng không thể thiếu trong tập tục sống của người Việt. Mỗi dịp Tết, trên những mâm cỗ cúng gia tiên nhất định không thể thiếu vắng bóng dáng của bánh chưng xanh.

Nguồn gốc bánh chưng ngày Tết

Bánh chưng là món ăn của người Việt đã trải qua một bề dày lịch sử. Ở miền Bắc người ta gói bánh chưng còn miền Nam gói bánh tét. Công việc gói bánh trải qua nhiều công đoạn, cần sự hợp tác của nhiều người, mỗi người phụ trách một khâu như rửa lá, lau lá, vo gạo, ngâm gạo, nấu đậu, ướp thịt… rồi lại cùng nhau ngồi trông nồi bánh, ôn chuyện cũ, bàn chuyện mới,sum họp đầm ấm. Ngày nay, do cuộc sống bận rộn, điều kiện ở thành phố hạn chế nên phần nhiều người ta không tự gói bánh mà mua ở ngoài hàng hoặc được biếu để dùng. Ngoài ra, bánh chưng còn là một món quà tết ý nghĩa, trong những ngày tết nguyên đán, tặng nhau những món quà tết là bánh chưng bánh tét luôn được người Việt ta hết sức trân trọng và quý mến. Nó vừa thể hiện tấm lòng của người tặng, vừa thể hiện sự cầu chúc an lành đến người nhận.

Bánh chưng – Hương vị không thể thiếu ngày Tết

Đối với người Việt Nam, bánh Chưng chính là tượng trưng cho một nét đẹp văn hóa đặc trưng của dân tộc. Trai qua nhiều thế hệ xã hội, những lần cải cách kinh tế, nhưng đời sống văn hóa với bánh Chưng của người Việt chưa bao giờ bị mai một đi. Người Việt Nam thường hay nói với nhau, thấy đào thấy quất thấy bánh chưng là thấy Tết. Bánh chưng xuất hiện như là một hình ảnh đặc trưng của ngày Tết truyền thống Việt Nam vậy.

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.

Tết nguyên đán luôn đóng một vai trò quan trọng và không thể thiếu trong đời sống văn hóa và tinh thần của người Việt ta từ xưa đến nay. Trong tâm thức của mỗi người con đất Việt Tết là ngày của sum họp, của đoàn viên, của sự vui vầy, quây quần bên nhau để tận hưởng những ngày đầu năm mới hết sức an lành và vui vẻ. Trong những ngày tết ấy, việc chuẩn bị những món ăn ngày tết là hết sức ý nghĩa và quan trọng, đặc biệt những món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh tét, dưa hành… lại càng được chú trọng. Bánh chưng ngày tết là một phần trong văn hóa Việt, xuất phát từ những ngày đầu như một sợi chỉ xuyên suốt trong văn hóa Việt Nam từ lúc dựng nước cho đến tận ngày nay.

Từ xa xưa, trong chuyện cổ tích Việt Nam đã ghi nhận bánh chưng có từ thời Hùng Vương. Thời ấy, vua Hùng muốn thử tài, thử lòng các con của mình, nên bảo các con làm một cái gì đó trân quý tiến dâng lên vua cha. Các hoàng tử thì đông, mọi người cùng đua tài làm đủ mọi thứ dâng lên, tuy thế vua cha vẫn chưa ưng ý món gì. Trong các người con của vua Hùng, có một hoàng tử tên là Lang Liêu, hiền lành, chất phác, chỉ biết cùng vợ con làm ruộng, trồng lúa nên chẳng biết làm món gì cao sang mà chỉ làm hai loại bánh từ những vật phẩm mình làm ra: Một loại bánh vuông, một loại bánh tròn. Vua cha thấy lạ, bèn bóc ra ăn cả hai đều ngon, vua khen tấm tắc và hỏi bánh gì, tại sao lại làm ra bánh ấy, và làm thế nào…Lang Liêu thưa rằng: Chiếc bánh vuông gọi là bánh Chưng, chiếc bánh tròn gọi là bánh Dày. Cả hai đều được làm từ gạo nếp thơm. Bánh Chưng vuông tượng trưng cho Đất; Bánh Dày tròn tượng trưng cho Trời. Cả hai đều phải làm rất cầu kỳ và cẩn thận. Bánh này là biểu tượng của Trời – Đất; Cha – Mẹ. Bánh chưng tượng trưng cho mẹ, bánh dày tượng trưng cho cha. Âm dương trời đất giao hòa nên dân khang vật thịnh. Vua cha thích, truyền lệnh cho khắp dân gian, từ nay trở đi hễ đến ngày tết, ngày hội thì gói bánh Chưng và giã bánh dày ăn tết.

Từ đó, bánh chưng, bánh dày trở thành lễ vật linh thiêng trong nghi thức thờ cúng tổ tiên, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn đối với ông cha, là món ăn không thể thiếu của người dân Việt Nam những ngày Tết. Chẳng thế mà dân gian Việt Nam có câu:
Bên ngoài xanh lá dong xanh.
                                    Bên trong nếp mỡ, đỗ hành hạt tiêu.
                                        Gói nghĩa tình, gói yêu thương.
                                     Dẻo thơm từ thuở Lang Liêu tới giờ.

Sau ngày tiễn ông Táo lên trời, lòng ta lúc nào cũng rạo rực một niềm vui khó tả. Tiếng lòng bỗng chốc trở nên rộn rã theo bước chân của các bà, các mẹ đi chợ Tết. Ai cũng muốn bước đi thật nhanh, ra chợ mua cho kỳ được cành đào thắm, dăm thứ quả đặt lên bàn thờ, bó lá dong to bản để gói bánh, đôi ba cân hành về làm dưa… Tết năm nào cũng là như vậy, cũng những món đồ mang phong vị cổ truyền của dân tộc, nhưng khác ở là ở cảm giác.

Các cụ ngày xưa thường quan niệm rằng chỉ cần có nồi bánh chưng và dăm ba cân thịt lợn là có Tết. Bánh chưng không biết từ khi nào đi vào lòng người dân Việt Nam như một biểu tượng văn hóa. Không chỉ dừng lại là một biểu tượng của ẩm thực, bánh chưng đã dần ăn sâu vào lối sống và phong tục văn hóa của người dân Việt Nam.

Bách chưng đúng tiêu chuẩn ngày Tết

Gói bánh chưng dịp Tết Nguyên Đán rất ý nghĩa với người dân Việt Nam

Bánh Chưng còn là một món ăn đặc biệt, mang hương vị thơm ngọt mang đậm bản sắc dân tộc và hương vị của nền văn minh lúa nước đầy tinh tế. Một chiếc bánh Chưng xanh có rất nhiều thành phần, kết hợp hài hòa với nhau như tượng trưng cho sự ôn hòa của đất trời. Gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, hạt tiêu và muối được gói gọn vuông vắn bên trong những chiếc lá dong màu xanh tươi mát, được kết chặt lại bằng những sợi lạt trẻ trắng phau dẻo dai.

Muốn có một chiếc bánh Chưng ngon và đẹp, các nguyên liệu cần phải được lựa chọn một cách cẩn thận và có sự tinh tế cao độ. Bạn phải lựa chọn gạo nếp loại dân gian hay có câu “nếp cái hoa vàng” từ xã Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Thịt phải được lấy từ con lợn được chăn nuôi bằng cám rau và gạo, như thế thịt lợn mới ngon, mới dai thịt mà không bị bở. Khi lựa chọn lá dong gói bánh, nhất định phải chọn những chiếc lá còn tươi màu xanh, tàu lá nguyên vẹn không sâu đục hay rách, sau đó mang về sửa cẩn thận từng cái một trách cho bị rách lá.

Để đảm bảo bánh Chưng mềm dẻo, đều màu xanh lá cây đẹp mắt, bạn nhất định phải đun sôi chúng trong một chiếc nồi lớn, đun đều lửa thường xuyên ít nhất trong 12 giờ. Sau khi bánh chín kỹ, lấy chúng ra, rửa sạch bằng nước và dùng khăn để lau những lớp bọt nước trên mặt lá bánh.

Hương vị ngày Tết cổ truyền qua việc gói bánh chưng, bánh tét như đậm đà, ấm áp và rộn ràng hơn, nhất là với những đứa trẻ theo ba đến xem gói bánh, lần đầu nhìn thấy lá dong, nồi bánh… Những câu chuyện, phong tục Tết xưa được ba và ông kể cũng chính là cách nuôi dưỡng tâm hồn các bé phong phú và nhân văn. Mọi người có cơ hội nhớ lại kỷ niệm đẹp khi được thức trắng đêm ngồi trông nồi bánh cùng những củ khoai vùi trong bếp lửa hồng trong đêm giáp Tết lạnh căm.

Giờ đây, người ta có thể dễ dàng nhìn thấy và thưởng thức bánh Chưng quanh năm. Nhưng chỉ vào dịp Tết, ngồi quây quần cùng gia đình ăn những miếng bánh chưng no đủ, cảm nhận hương vị Tết, bạn sẽ thấy bánh Chưng khi đó ngon miệng và ấm áp hơn cả. Một cảm giác chỉ có bánh Chưng mang lại vào dịp Tết mà bạn không thể tìm thấy vào lúc nào khác trong năm.

Tuấn Linh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Gói bánh Chưng ngày Tết – Nét văn hóa lâu đời của người Việt