(Moitruong.net.vn) – Huyện Quang Bình là một trong những địa phương có điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế rừng do có diện tích đồi núi lớn. Vì vậy, trong những năm qua, Quang Bình luôn là huyện đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế rừng của tỉnh Hà Giang.

Một cánh rừng gỗ mỡ đến thời kỳ khai thác của hộ gia đình tại xã Vĩ Thượng (Quang Bình)

Sau hơn 10 năm triển khai công tác trồng rừng (từ năm 2007 đến nay), huyện Quang Bình đã trồng mới được gần 10.796 ha rừng, trong đó rừng thuộc dự án 661 là 3.760 ha, rừng thuộc chương trình 135 là 670 ha, diện tích còn lại là do người dân tự túc và của các doanh nghiệp tham gia trồng rừng.

Chủng loại cây rừng được trồng chủ yếu trên địa bàn huyện là cây keo, số còn lại là rừng mỡ và xoan. Để thực hiện tốt các chỉ tiêu về trồng rừng, hàng năm UBND huyện Quang Bình đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với các xã trên địa bàn huyện nhằm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt kế hoạch trồng rừng đã đề ra.

Đồng thời, huyện cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung tư vấn về đất rừng, giống cây rừng cho các tổ chức, cá nhân, các hộ gia đình, kêu gọi các doanh nghiệp liên kết với nông dân để tham gia trồng rừng…Vì vậy, trên địa bàn huyện đã hình thành các mô hình trồng rừng tiêu biểu làm cơ sở để nhân rộng thành phong trào trong quần chúng nhân dân.

Bên cạnh đó, tại các xã có đất rừng của huyện cũng đã đẩy mạnh công tác triển khai vận động nhân dân xây dựng hương ước, quy ước cấm chăn thả gia súc tại các khu vực trồng rừng nhằm bảo vệ các cánh rừng trồng mới. Nếu gia đình nào vi phạm và cố tình vi phạm thì tùy theo mức độ cụ thể sẽ phải bồi thường về kinh tế và phải chịu các hình thức phạt khác theo quy định cụ thể mà thôn bản đề ra….

Từ thực tiễn đó, phong trào trồng và phát triển rừng đã được nhân rộng trong quần chúng nhân dân tại các địa phương trong toàn huyện. Bên cạnh đó, phong trào trồng rừng của huyện Quang Bình cũng đã thu hút các gia đình đẩy mạnh chuyển đổi đất nương rẫy kém hiệu quả sang trồng rừng sản xuất, điển hình là tại các xã Vĩ Thượng, Yên Hà, Yên Thành…

Một xưởng chế biến gỗ dán xuất khẩu tại xã Yên Hà (Quang Bình)

Hiện nay, nhiều cánh rừng của huyện Quang Bình đã bước vào thời kỳ khai thác và tạo ra nguồn thu nhập lớn đối với người dân. Có thể kể đến một số hộ gia đình có thu nhập điển hình từ trồng rừng như hộ gia đình anh Hoàng Văn Chài ở thôn Yên Phú, hộ gia đình anh Hoàng Chung Hà ở thôn Tân Chàng xã Yên Hà mỗi gia đình có diện tích trên 4 ha rừng keo đến kỳ thu hoạch đã được các doanh nghiệp chế biến lâm sản trên địa bàn thu mua với số tiền trên 200 triệu đồng; gia đình anh Nguyễn Văn Huy ở thôn Trung Thành, xã Vĩ Thượng có 3 ha rừng keo đến kỳ thu hoạch có trị giá gần 150 triệu đồng…Ngoài ra, còn nhiều hộ nông dân khác của huyện Quang Bình cũng đã có nguồn thu nhập từ trồng rừng kinh tế từ 90 – 120 triệu đồng.

Bên cạnh công tác đẩy mạnh và không ngừng mở rộng diện tích trồng rừng kinh tế, huyện Quang Bình đã đề ra các chính sách nhằm giúp các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn phát triển thuận lợi. Điển hình là các chính sách ưu tiên phát triển các cơ sở thu mua và chế biến gỗ dán xuất khẩu, thu mua gỗ để sản xuất bột giấy….Từ đó, nhiều cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn huyện Quang Bình đã được hình thành và không ngừng mở rộng quy mô sản xuất.

Nhằm phát huy hiệu quả từ công tác trồng rừng, huyện Quang Bình tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn như Phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông, Hạt Kiểm lâm… đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hiệu quả của công tác trồng rừng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của huyện; các ngành chuyên môn nâng cao hiệu quả trong công tác tư vấn về đất rừng, giống cây lâm nghiệp tới các hộ gia đình, các doanh nghiệp tham gia trồng rừng. Khuyến khích các thôn bản có rừng và đất lâm nghiệp xây dựng các hương ước, qui ước của thôn bản nhằm nâng cao hiệu quả của công tác trồng và phát triển rừng trên địa bàn.

Theo nhận xét đánh giá của UBND huyện Quang Bình: Sau hơn 10 năm triển khai công tác trồng rừng, đến nay diện tích rừng của một số địa phương đã cho thu hoạch mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người nông dân. Nhờ có nguồn thu nhập từ rừng mà nhiều hộ gia đình ở huyện Quang Bình đã vươn lên thoát nghèo bền vững, một số hộ đã có nguồn tích luỹ do thu nhập từ kinh tế rừng mang lại. Công tác trồng và phát triển rừng của huyện Quang Bình đạt được hiệu quả cao, ngoài các chủ trương, chính sách phù hợp của huyện còn có vai trò lớn của hương ước trong cộng đồng các thôn bản.

Phạm Văn Phú


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Giang: Thoát nghèo bền vững từ trồng rừng