Xã Văn Xá (Kim Bảng) có tổng đàn lợn thường xuyên đạt trên 10.000 con. Để duy trì và phát triển chăn nuôi, các hộ dân đã áp dụng nhiều tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nhất là áp dụng công nghệ vi sinh.
Cụ thể, phần lớn số hộ chăn nuôi của xã thực hiện theo quy trình khép kín từ nuôi lợn nái để sản xuất con giống chuyển sang nuôi lợn thịt. Toàn bộ lợn giống giai đoạn mới tách mẹ đều được sử dụng men vi sinh trộn vào thức ăn. Đây là biện pháp tối ưu để lợn giống hấp thụ tốt thức ăn, tránh được bệnh tiêu chảy, tăng trọng tốt. Một số hộ nuôi lợn thịt trong khu dân cư đã sử dụng men vi sinh cho lợn thịt giúp hạn chế ô nhiễm môi trường.
Ông Dương Đức Hùng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) Văn Xá cho biết: Cả xã có khoảng 20% số lợn được sử dụng men vi sinh trong quá trình chăn nuôi. Khi thức ăn được phối trộn men, chất thải của lợn sẽ giảm được 60 – 70% mùi hôi. Chính vì vậy, HTXDVNN tuyên truyền và khuyến cáo người dân tăng cường sử dụng men vi sinh trong chăn nuôi.
“Gia đình tôi đã sử dụng thường xuyên men vi sinh trong quá trình nuôi 150 con lợn thịt/lứa và 10 lợn nái. Kết quả là cả đàn lợn đều khỏe mạnh và tăng trọng tốt”, ông Hùng cho biết.
Đối với chăn nuôi gia súc, gia cầm của tỉnh hiện nay, việc sử dụng men vi sinh được các hộ từng bước áp dụng. Người dân sử dụng men vi sinh khá đa dạng từ phối trộn vào thức ăn, đến phun trực tiếp vào chuồng trại giúp phân hủy nhanh chất thải.
Như trang trại của hộ anh Phạm Công Quỳnh, thôn Đồng Tâm, xã Đồng Du (Bình Lục) thường xuyên nuôi 40 lợn nái và 200 lợn thịt/lứa đã áp dụng men vi sinh song song cả trộn vào thức ăn và phun nền chuồng. Cách làm này giúp anh thay thế hoàn toàn hóa chất phun khử trùng tiêu độc. Đàn lợn trong trang trại không bị dịch bệnh, tăng trọng tốt.
Được biết, trang trại chăn nuôi lợn của anh Phạm Công Quỳnh đã ngăn ngừa hiệu quả dịch tả lợn châu Phi. Anh Quỳnh chia sẻ: Sử dụng men vi sinh trong chăn nuôi cho hiệu quả cả về kinh tế và môi trường. Chỉ tính riêng thuốc kháng sinh sử dụng trị bệnh gần như được loại bỏ do lợn nâng cao sức đề kháng. Do vậy, lợi nhuận từ chăn nuôi được tăng lên so với nuôi truyền thống không sử dụng men vi sinh.
Thực tế, men vi sinh hiện nay đang được các hãng thuốc thú y rất quan tâm, nghiên cứu, sản xuất đưa ra thị trường. Thành phần chủ yếu của các loại men vi sinh tập trung giúp chuyển hóa tốt thức ăn và phân hủy nhanh chất thải rất phù hợp với điều kiện chăn nuôi hiện nay của người dân theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp có quy mô tập trung. Việc sử dụng men vi sinh đem lại lợi ích nhiều mặt cho người chăn nuôi. Đó là, khi men được phối trộn với thức ăn giúp quá trình gia súc, gia cầm chuyển hóa thức ăn được tốt hơn, tăng sức đề kháng, hạn chế đáng kể các loại bệnh về đường tiêu hóa. Các hộ chăn nuôi sử dụng men vi sinh giảm khoảng 80% lượng thuốc thú y sử dụng so với không dùng men (chủ yếu là kháng sinh).
Về chi phí cho men vi sinh rất thấp, ở mức 100 đồng cho 1 kg thức ăn đồng thời giảm mùi hôi của chất thải. Với men vi sinh phun vào nền chuồng tạo vi khuẩn có lợi phân hủy nhanh chất thải.
Ông Nguyễn Văn Thông, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: hiện số hộ sử dụng men vi sinh trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh mới chiếm hơn 10% số lượng gia súc, gia cầm. Nguyên nhân chính là do nhận thức của người dân về hiệu quả của men vi sinh chưa cao dẫn đến chưa quan tâm và đầu tư sử dụng các loại men vi sinh cả trong phối trộn thức ăn và phun cho chuồng trại. Trong khi đó, nhiều trang trại chăn nuôi hiện nay đã sử dụng các loại máng thức ăn tự động rất thuận tiện cho quá trình phối trộn men.
“Sản xuất nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng đang tăng cường áp dụng công nghệ vi sinh, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng. Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân áp dụng công nghệ vi sinh trong quá trình sản xuất”, ông Thông chia sẻ.