Hà Nội: Gần 100 người nhập viện mỗi ngày vì tiếp xúc với kiến ba khoang

Minh Anh|02/10/2020 09:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Khoảng 2 tuần gần đây, mỗi ngày, Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận gần 100 bệnh nhân đến khám do tiếp xúc với kiến ba khoang.

Bác sĩ Quách Thị Hà Giang, Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương, nhận định lượng bệnh nhân tăng đột biến rõ rệt. Họ thường đến khám sau 3-4 ngày có vệt đỏ đầu tiên do tiếp xúc độc tố của kiến. Có những gia đình 2-3 người bị tổn thương nặng do kiến ba khoang.

Chị Thu là một trong những bệnh nhân nặng do viêm da tiếp xúc kiến ba khoang. Từ vài nốt nhỏ gần mắt, ba ngày sau, tổn thương lan rộng vùng mặt cổ chị Thu, mưng mủ trắng xanh.

Bác sĩ Giang cho rằng chị Thu tổn thương nặng do chà sát, làm độc tố của kiến lan rộng ra. Bệnh nhân có dấu hiệu bội nhiễm, đau rát vùng tổn thương, sốt, nổi hạch vùng lân cận.

“Bệnh nhân cần điều trị kết hợp kháng sinh, giảm đau, ngứa, bội nhiễm. Phải mất 5-7 ngày mới có thể ổn định”, bác sĩ Giang nói, ngày 30/9.

Nhiều bệnh nhân viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang song nhầm lẫn với bệnh zona thần kinh. Điển hình là bệnh nhân nam 35 tuổi, ở Hà Nội, xuất hiện vài chấm nhỏ ở cằm, cổ, đau rát. Nghĩ bị zona, vợ bệnh nhân lên mạng học theo “bài thuốc” nhai 7 hạt gạo nếp và đỗ xanh đắp vào vùng tổn thương cho chồng. Tình trạng không đỡ, chồng còn đau rát và tổn thương lan rộng hơn, phải đến viện khi khắp cổ loang đỏ, bội nhiễm.

Theo bác sĩ Giang, zona là bệnh da do virus thường gây đau, nhức nhiều sau đó xuất hiện mụn nước, bọng nước căng mọc theo từng chùm theo sự phân bố của dây thần kinh và một bên cơ thể. Trong khi đó, viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang khiến bệnh nhân đau rát, tổn thương thành từng vệt, dát dỏ, thường gặp ở vùng da hở, nền hơi cộm, trên có mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ li ti ở giữa, có vùng hơi lõm màu vàng nâu, hình tròn hoặc bầu dục. Tổn thương có thể bị mưng mủ nhanh. Người bệnh cần phải phân biệt rõ ràng, tránh làm theo các bài thuốc trên mạng.

Bác sĩ Giang cho biết kiến ba khoang gây bệnh không phải đốt mà do dịch tiết ra, dính vào da gây viêm da tiếp xúc tại chỗ. Trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin, độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc của rắn hổ nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn mà chỉ tổn thương tại da.

Dù vậy, độc tố này có thể gây những biến chứng nặng. Bệnh nhân có thể bị tổn thương lan tỏa vùng lân cận, sốt, khó chịu toàn thân, gây bội nhiễm da, tăng sắc tố sau viêm. Nếu được trị thì sau một tuần sẽ hết. Điều trị muộn, tổn thương da có thể để lại sẹo đỏ đến nhiều tháng mới hết. Độc tố của chúng dính vào mắt sẽ gây ra viêm kết mạc và sưng nề phần mềm quanh mắt, có trường hợp mù tạm thời.

Khi phát hiện có kiến ba khoang, nên đeo găng tay hoặc dùng giấy mềm để xử lý, tuyệt đối không chà sát, đập kiến để dịch độc tiết ra. Khi lỡ tay đập hoặc chà xát kiến ba khoang trên da, cần lập tức rửa dưới vòi nước sạch, bằng nước muối sinh lý hoặc xà phòng nhằm giảm nhẹ độc tố. Tổn thương nhẹ (chấm đỏ) thì bôi kem đặc trị. Tổn thương nặng hơn, xuất hiện mụn mủ, lan rộng thì cần đến viện chuyên khoa da liễu điều trị.

“Tuyệt đối không đắp lá, đắp các bài thuốc chưa được kiểm chứng hoặc bôi thuốc sát trùng có chứa i-ốt, cồn sẽ làm vết thương nặng thêm, tăng nguy cơ bội nhiễm”, bác sĩ Giang khuyến cáo.

Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo, nên thay đèn huỳnh quang bằng đèn có ánh sáng màu vàng, vì kiến ba khoang rất thích ánh sáng đèn huỳnh quang. Trước khi ngủ cần quét lại nhà để sạch nền nhà và mắc màn ngủ tránh côn trùng. Khi môi trường mật độ kiến ba khoang nhiều, phun thuốc diệt kiến tồn lưu trên vách tường trong và ngoài nhà có tác dụng xua, diệt chúng.

Minh Anh 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hà Nội: Gần 100 người nhập viện mỗi ngày vì tiếp xúc với kiến ba khoang
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.