(Moitruong.net.vn) – Từ năm học 2018 – 2019 đến hết năm 2020, trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa tươi 5 lần/tuần của 9 tháng đi học (mỗi ngày uống một lần), mỗi lần 1 hộp 180ml.
Từ năm học 2018 – 2019 đến hết năm 2020, trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa tươi 5 lần/tuần
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 4019/QĐ-UBND phê duyệt Đề án thực hiện Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2018 – 2020.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2020 có trên 90% trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học trên toàn TP được uống sữa theo Đề án, góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (cân nặng/tuổi) ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học xuống dưới 5,5%, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao/tuổi) ở trẻ em mẫu giáo xuống dưới 13,5%, trung bình 0,3%/năm, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở học sinh tiểu học trung bình mỗi năm 0,2%, tăng chiều cao trung bình của trẻ 6 tuổi từ 1,5 – 2cm so với năm 2010.
Đối tượng thụ hưởng là trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học đang theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP Hà Nội được phụ huynh tự nguyện tham gia Chương trình Sữa học đường.
Định mức thụ hưởng: Trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa tươi 5 lần/tuần của 9 tháng đi học (mỗi ngày uống một lần), mỗi lần 1 hộp 180ml. Tổng sổ trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học của 3 năm học khoảng 1.541.833 trẻ mẫu giáo và 2.364.832 học sinh tiểu học. Số liệu thụ hưởng thực tế được điều chỉnh cụ thể trong các năm triển khai thực hiện Đề án.
Được biết, kinh phí thực hiện Đề án là gần 4,2 tỷ đồng, trong đó, ngân sách hỗ trợ 30% tổng kinh phí, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20% và phụ huynh học sinh đóng góp 50%.
UBND TP Hà Nội giao Sở Giáo dục và Đào tạo là cơ quan thường trực Đề án, có trách nhiệm tham mưu UBND thành phố chỉ đạo tổ chức, thực hiện Đề án; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức lựa chọn doanh nghiệp cung cấp sữa; giám sát, kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng sữa và đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học; đề xuất các điều kiện bảo đảm cho việc thực hiện Đề án.
Ngọc Mai