Hệ thống đường hầm chống ngập khổng lồ của Tokyo

Ngọc Linh (t/h)|13/10/2020 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Hệ thống này được xây dựng sâu dưới lòng đất, có chức năng như một chiếc phễu, giúp đưa lượng nước lớn thoát ra ngoài để bảo vệ thành phố Tokyo trước thủy thần.

Nằm ở ngoại ô Tokyo, phía sau một tòa nhà chính phủ nhỏ, lối vào cấu trúc được ghi danh trong sách Kỷ lục Guinnes này luôn luôn khóa chặt, vì vậy mà không ai có thể vào hoặc thậm chí là nhận ra sự tồn tại của nó.

Hệ thống ngầm phức tạp này có 5 bồn chứa khổng lồ, mỗi bồn sâu hơn 70m, để chuyển nước dọc theo một đường hầm dài 6,3km. Sau khi bước xuống những bậc thang dài dằng dặc của một trong những đường hầm, có là một sảnh khổng lồ, được miêu tả như đền Parthenon ngầm.

Đường hầm chống ngập Kasukabe

Nước từ các trận mưa, lũ được chuyển theo đường hầm dài 6,3 km để đổ ra con sông Edogawa gần đó, với tốc độ mỗi giây xả được lượng nước tương đương như trong một bể bơi dài 25 m.

Được xây dựng vào năm 2006, với chi phí 230 tỷ yen, hệ thống đường hầm chống ngập Kasukabe hoạt động khoảng 7 lần mỗi năm. Nước sẽ tự động chảy vào hệ thống và sẽ được bơm ra khỏi bể chứa chính khi đủ sức chứa.

Thường từ tháng 6 đến cuối tháng 10 hàng năm, các nhân viên làm việc ở hệ thống này thường duy trì trạng thái cảnh giác cao độ, do đây là mùa mưa, bão tại Nhật Bản.

Theo ông Nobuyuki Akiyama – người quản lý hệ thống đường hầm chống ngập ở Saitama cho biết, nếu không có hệ thống này, mưa, bão và thậm chí là cả lượng mưa hằng ngày đổ xuống đã có thể gây thiệt hại, nhấn chìm nhà cửa và đường, phố.

Sự ra đời của hệ thống Kasukabe đã giúp ngăn chặn khoảng 90% công trình tại các khu vực lân cận khỏi sức mạnh của thủy thần. Riêng trong tháng 9 năm nay, hệ thống này đã được vận hành 7 lần, với lượng nước được xả ra sông tăng gấp 2 do mùa mưa lũ kéo dài bất thường.

Các nghiên cứu chính thức cho thấy tới nay, hệ thống này đã giúp Nhật Bản tiết kiệm tới 148 tỷ yen tiền khắc phục thảm họa. Khi không vận hành, hệ thống Kasukabe lại mở cửa đón khách tham quan. Đây cũng được coi là một biện pháp để tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của việc quản lý thảm họa.

Tại thủ đô Tokyo – thành phố có tới hơn 100 con sông, chính quyền đã xây dựng 10 hồ chứa nước ngầm và 3 đường hầm chống ngập. Hiện Tokyo vẫn đang xây dựng thêm các hệ thống chống ngập khác. Tại tỉnh Osaka, miền Tây Nhật Bản, một hệ thống chống ngập tương tự như Kasukabe, trị giá 366 tỷ yen (3,5 tỷ USD), cũng đang được xây dựng. Dự kiến, công trình này sẽ hoàn thành vào năm 2044.

Theo giới chuyên gia, thế giới cần thêm nhiều hệ thống như Kasukabe giúp chống ngập trong bối cảnh biến đổi khí hậu, làm gia tăng tần suất các trận bão lũ

Trong bối cảnh các nước vẫn chưa thể ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu, giới chuyên gia khẳng định các cơ sở hạ tầng trên là chưa đủ. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, chính quyền Nhật Bản đã tăng cường nỗ lực để nhắc người dân sơ tán sớm khi có khuyến cáo.

Ngọc Linh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ thống đường hầm chống ngập khổng lồ của Tokyo