Hoài Đức (Hà Nội): Cần kiểm tra, xử lý dấu hiệu sử dụng chất thải xây dựng để san lấp mặt bằng và khai thác hàng loạt giếng khoan tại dự án Hinode Royal Park

Mai Ngọc - Minh Phúc|15/01/2024 19:39
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo các nghiên cứu khoa học việc dùng các chất thải rắn tích lũy dưới đất trong thời gian dài sẽ khiến đất bị ảnh hưởng. Chất thải xây dựng khó phân hủy như gạch, ngói, thủy tinh, dây cáp, bê tông, kim loại, chất độc ô nhiễm còn có thể thâm nhập vào cơ thể con người theo chuỗi thức ăn và nước uống đe dọa đến sức khỏe người dân.

VIDEO: Hoài Đức (Hà Nội): Cần kiểm tra, xử lý dấu hiệu việc sử dụng chất thải xây dựng để san lấp mặt bằng và khai thác hàng loạt giếng khoan tại dự án Hinode Royal Park

Sự quản lý thiếu chặt chẽ của các cơ quan chức năng để cho các nhà thầu thi công thay vì sử dụng cát, đất đúng tiêu chuẩn để san lấp mặt bằng công trình theo hồ sơ thiết kế, thì các chủ dự án, nhà thầu thi công đã dùng phế thải xây dựng để san lấp mặt bằng. Hàng nghìn m3 rác thải xây dựng từ các công trình đã được đơn vị thi công dùng để san lấp mặt bằng tại các dự án hoặc mang đi đổ không đúng theo quy định về tiêu chuẩn trong thi công. Điều đó có thể sẽ tác động đến môi trường đất cũng như ảnh hưởng đến chất lượng công trình, ngoài ra còn có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thống mạch nước ngầm.

Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trong công tác bảo vệ môi trường, hạn chế những ảnh hưởng và tác động trực tiếp tới môi trường xung quanh trong quá trình xây dựng, Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống đã tìm hiểu, khảo sát, thu thập thông tin để thực hiện chuyên đề “Cảnh báo tình trạng dùng phế thải xây dựng làm vật liệu san lấp dự án gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh”. Với mục đích đưa ra những đánh giá về tình hình thực tế đang diễn ra, đề xuất những giải pháp quản lý trong công tác bảo vệ môi trường đảm bảo đúng luật, góp phần phòng ngừa những ảnh hưởng tới môi trường, sống của người dân.

du-an-kim-chung-di-trach.jpg
Dự án Hinode Royal Park (tên trước đây là dự án khu đô thị Kim Chung - Di Trạch) do Tổng công ty cổ phần Thương mại Xây dựng làm chủ đầu tư

Trong quá trình triển khai chuyên đề, phóng viên (PV) Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống - Moitruong.net.vn đã ghi nhận được thông tin về việc Dự án Hinode Royal Park (Khu đô thị Kim Chung – Di Trạch tên gọi trước đây) tại huyện Hoài Đức, TP Hà Nội trong quá trình thi công đã sử dụng chất thải rắn xây dựng để san lấp mặt bằng và khai thác hàng loạt giếng khoan phục vụ công nhân ăn ở và thi công dự án.

Dấu hiệu dùng chất thải xây dựng để san lấp mặt bằng dự án

Theo tìm hiểu, Dự án Hinode Royal Park (tên trước đây là dự án khu đô thị Kim Chung - Di Trạch) có quy mô khoảng 146 ha, do Tổng công ty cổ phần Thương mại Xây dựng làm chủ đầu tư, dự án đáp ứng quy mô dân số khoảng gần 30.000 người, mục tiêu hướng đến quy hoạch đại đô thị "all in one" bao gồm các loại hình nhà phố vườn, nhà phố thương mại, biệt thự phố, biệt thự song lập, đơn lập ven hồ thiết kế theo kiến trúc hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó là hệ thống tiện ích đa dạng như trường học, siêu thị, trung tâm thương mại, bệnh viện, khu tắm khoáng…

Trong quá trình triển khai thi công xây dựng dự án đã bộc lộ nhiều dấu hiệu tồn tại trong công tác quản lý và thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước và gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.

W_du-an-kim-chung-di-trach-2-.jpg
W_du-an-kim-chung-di-trach-3-.jpg
W_du-an-kim-chung-di-trach-5-.jpg
Khối lượng đất kèm rác thải xây dựng thay vì đổ đúng nơi theo quy định lại được dùng làm vật liệu san lấp tại Dự án Hinode Royal Park

9Theo thông tin mà phóng viên nắm bắt được, thời gian vừa qua, trong quá trình thi công một số hạng mục tại Dự án Hinode Royal Park đã có dấu hiệu không sử dụng đất, cát theo đúng tiêu chuẩn để san lấp mặt bằng. Thay vào đó, dự án đang có dấu hiệu sử dụng đất, chất thải xây dựng để san lấp mặt bằng.

Theo ghi nhận của PV, khối lượng đất kèm rác thải xây dựng thay vì đổ đúng nơi theo quy định lại được dùng làm vật liệu san lấp tại Dự án Hinode Royal Park. Cụ thể, phần phía dưới sử dụng lớp chất thải xây dựng có lẫn vải vụn, đất đá trạc thải để san lấp, còn phía trên được phủ bởi 1 lớp đất.

Nắm bắt được hiện trạng trên, PV đã thông tin đến lãnh đạo UBND xã Kim Chung và phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức, Công an huyện Hoài Đức để kịp thời kiểm tra. Theo đó, vào chiều ngày 28/12/2023, cán bộ phòng Tài nguyên và Môi trường, cán bộ xã Kim Chung đã xuống ghi nhận trực tiếp tại dự án và lập biên bản hiện trạng đối với hành vi sử dụng chất thải xây dựng để san lấp mặt bằng không đúng quy định và việc khai thác hàng loạt nước giếng khoan để phục vụ thi công xây dựng và công nhân sử dụng.

W_bb-2.jpg
Biên bản ghi nhận hiện trạng đối với hành vi sử dụng chất thải xây dựng để san lấp mặt bằng không đúng quy định và việc khai thác hàng loạt nước giếng khoan để phục vụ thi công xây dựng và công nhân sử dụng tại khu đô thị Kim Chung – Di Trạch vào ngày 28/12/2023 của UBND xã Kim Chung

Theo biên bản ghi nhận có nêu: Tại ô đất BT14 và MN3 thuộc khu đô thị Kim Chung – Di Trạch có diện tích khoảng 13.000m2, trên tổng mặt bằng ô đất BT14 và MN3 chủ đầu tư đang san lấp mặt bằng trong đó có lẫn chất thải rắn xây dựng, rác thải, đất thải không đúng quy định. Hiện trường san lấp ghi nhận có 01 máy ủi đang tạm dừng hoạt động.

W_du-an-kim-chung-di-trach-1-.jpg
W_du-an-kim-chung-di-trach-9-.jpg
W_du-an-kim-chung-di-trach-4-.jpg
Phần phía dưới các đơn vị sử dụng lớp chất thải xây dựng có lẫn vải vụn, đất đá trạc thải để san lấp, còn phía trên được phủ bởi 1 lớp đất

Theo quy định tại điểm b, khoản 2, điều 64 Luật Đất đai năm 2013 thì "người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất" sẽ bị nhà nước thu hồi đất. Theo đó, "hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định". Mới đây, khoản 3, điều 3, Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, quy định: "Gây ô nhiễm đất là trường hợp đưa vào trong đất các chất độc hại hoặc vi sinh vật, ký sinh trùng có hại cho cây trồng, vật nuôi, con người". "Như vậy, trong trường hợp chủ sử dụng đất có hành vi sử dụng rác thải không đúng quy định để san lấp mặt bằng và gây ô nhiễm môi trường đất thì sẽ bị nhà nước xem xét thu hồi theo đúng quy định pháp luật"., Nghị định Số: 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 về Quản lý chất thải và phế liệu. Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số: 08/2017/TT-BXD ngày 16-05-2017 về quản lý chất thải rắn xây dựng. Trong đó, quy định chất thải xây dựng phải được thu gom, vận chuyển đến điểm tập kết, trạm trung chuyển và cơ sở xử lý được đầu tư xây dựng theo quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc cơ sở tái chế, công trình khác để tái chế, tái sử dụng.

W_da-.jpg
Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án "Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch" số 5341/QĐ-UBND do UBND thành phố Hà Nội phê duyệt

Tại quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án "Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch" số 5341/QĐ-UBND do UBND thành phố Hà Nội phê duyệt có nêu: Việc phá dỡ, thu gom, vận chuyển, xử lý phế thải xây dựng trong quá trình chuẩn bị và thi công xây dựng dự án phải thực hiện theo Chỉ thị 07/CT-UBND ngày 16/5/2017 của UBND thành phố Hà Nội.

Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trong quá trình phá dỡ, giải phóng mặt bằng, thi công xây dựng và vận hành Dự án phải được thu gom và xử lý theo đúng quy định tại Nghị định 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu và Quy định quản lý chất thải rắn thông thường trên địa bàn thành phố Hà Nội ban hành theo Quyết định số 16/2013/QĐ-UBND ngày 03/6/2013 của UBND thành phố Hà Nội.

Chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình phá dỡ, giải phóng mặt bằng, thi công xây dựng và vận hành Dự án phải được phân loại, thu gom, lưu giữ, quản lý và xử lý theo đúng quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải nguy hại.

Việc vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp, bê tông phải được thực hiện bởi các nhà thầu đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động.

Trước những "linh hoạt" trong việc dùng chất thải xây dựng san lấp tại Dự án Hinode Royal Park, rất mong các cấp chính quyền của thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan có phương án kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm nếu có để tránh tác động xấu đến môi trường.

Khai thác hàng loạt giếng khoan, xả thải trái phép ra ngoài môi trường?

Không chỉ sử dụng chất thải xây dựng san lấp mặt bằng, hiện nay tại Dự án Hinode Royal Park, các đơn vị còn khai thác hàng loạt giếng khoan để phục vụ công nhân ăn ở và thi công dự án.

Theo ghi nhận của PV và biên bản ghi nhận của UBND xã Kim Chung, tại hiện trường lô đất BT15 hiện có 05 nhà tôn tạm và 01 giếng khoan và 02 téc nước phục vụ đời sống công nhân, 01 nhà vệ sinh không đảm bảo vệ sinh môi trường. Tại lô LK3 tại hiện trường có 01 giếng khoan phục vụ đời sống sinh hoạt công nhân và thi công dự án. Tại lô LK4, tại hiện trường có 01 giếng khoan phục vụ đời sống sinh hoạt công nhân và thi công dự án.

W_du-an-kim-chung-di-trach-11-.jpg
W_du-an-kim-chung-di-trach-12-.jpg
W_du-an-kim-chung-di-trach-13-.jpg
W_du-an-kim-chung-di-trach-7-.jpg
Tại Dự án Hinode Royal Park, các đơn vị nhad thầu còn khai thác hàng loạt giếng khoan để phục vụ công nhân ăn ở và thi công dự án

Việc tại Dự án Hinode Royal Park đang khai thác hàng loạt giếng khoan là có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng Luật Tài nguyên nước.

Ngoài ra, nước thải, rác thải trong quá trình ăn uống sinh hoạt của công nhân không được thu gom, xử lý mà xả thải trực tiếp ra môi trường bốc mùi khó chịu, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

W_du-an-kim-chung-di-trach-10-.jpg
W_du-an-kim-chung-di-trach-14-.jpg
W_du-an-kim-chung-di-trach-8-.jpg
Nước thải, rác thải trong quá trình ăn uống sinh hoạt của công nhân không được thu gom, xử lý mà xả thải trực tiếp ra môi trường bốc mùi khó chịu

Nguy hiểm hơn, tại những khu bếp nấu ăn trong công trường là những bình gas, bếp gas với những đường dây điện được đấu nối chằng chịt như mạng nhện, giăng khắp nơi. Điều này dễ dẫn đến tình trạng chập điện, nguy cơ cháy nổ luôn rình rập và có thể xảy ra bất cứ lúc nào?.

Không chỉ có vậy, hiện nay, tại khu vực shophouse của Dự án Hinode Royal Park đã đưa một số căn đi vào hoạt động. Vậy, câu hỏi đặt ra rằng, Dự án Hinode Royal Park hiện nay đã hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung hay chưa? Nước thải trong quá trình ăn ở sinh hoạt của một số căn và công nhân ăn ở tại dự án có được xử lý theo đúng Báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan chức năng phê duyệt hay không? và hiện nay Dự án này đã được cấp Giấy phép môi trường hay chưa?

W_da-kim-chung-3-.jpg
W_da-kim-chung-4-.jpg
W_da-kim-chung-2-.jpg
W_da-kim-chung-1-.jpg
Khu vực shophouse của Dự án Hinode Royal Park đã đưa một số căn đi vào hoạt động. Vậy câu hỏi đặt ra rằng, Dự án Hinode Royal Park hiện nay đã hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung hay chưa?

Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, toàn bộ nước thải sinh hoạt phát sinh trong quá trình phá dỡ, giải phóng mặt bằng và thi công xây dựng Dự án phải được thu gom và xử lý, đảm bảo đạt quy chuẩn QCVN 14:2008/BTNMT (cột B) - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt trước khi xả thải ra môi trường, nước thải thi công và nước thải phát sinh từ trạm trộn bê tông phải được thu gom, xử lý đảm bảo đạt quy chuẩn QCTĐHN 02:2014/ BTNMT (cột B) – Quy chuẩn kỹ thuật về nước thải công nghiệp trên địa bàn Thủ đô Hà Nội trước khi xả thải ra môi trường.

Toàn bộ nước thải sinh hoạt phát sinh trong giai đoạn vận hành Dự án phải được thu gom về Trạm xử lý nước thải tập trung của Dự án do Chủ dự án đầu tư có tổng công suất thiết kế 20.000 m3/ngày đêm (04 Modul công nghệ ASBR công suất mỗi modul 5.000 m3/ngày đêm, được xây dựng theo tiến độ thực hiện của dự án), được xử lý đảm bảo đạt QCVN 14:2008/BTNMT (cột B) - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt trước khi thải ra môi trường tiếp nhận.

Phải có nhật ký vận hành hệ thống xử lý nước thải bằng tiếng Việt được ghi chép đầy đủ (lưu lượng, thông số vận hành hệ thống xử lý nước thải, kết quả quan trắc nước thải đầu vào và đầu ra của hệ thống xử lý nước thải, loại và lượng hóa chất sử dụng, lượng bùn thải phát sinh; lượng điện tiêu thụ), lưu giữ tối thiểu 02 năm. Có phương án, hạ tầng, phương tiện, thiết bị để ứng phó, khắc phục sự cố trong trường hợp hệ thống thu gom, xử lý nước thải gặp sự cố.

Trước những dấu hiệu đang tồn tại tại Dự án Hinode Royal Park, kính mong UBND TP. Hà Nội, Công an Tp. Hà Nội, UBND huyện Hoài Đức, Công an huyện Hoài Đức và các đơn vị liên quan nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm những vi phạm (nếu có) để đảm bảo thượng tôn pháp luật.

Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hoài Đức (Hà Nội): Cần kiểm tra, xử lý dấu hiệu sử dụng chất thải xây dựng để san lấp mặt bằng và khai thác hàng loạt giếng khoan tại dự án Hinode Royal Park