Hoàn tất thủ tục kiến nghị nhận chìm 15 triệu m3 vật chất khi nạo vét cảng Dung Quất

B.T (t/h)|11/11/2018 09:11
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Tỉnh Quảng Ngãi và Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất đã hoàn tất các thủ tục và kiến nghị Bộ Tài nguyên – Môi trường cho phép nhận chìm khoảng 15 triệu m3 vật chất là cát nhiễm mặn, bùn trong quá trình thi công, nạo vét cảng Dung Quất.

>>>Huyện Củ Chi – Tp. Hồ Chí Minh: Công ty sản xuất Minh Phát xả chất thải nguy hại trái phép ra môi trường, cơ quan chức năng ở đâu?

>>>Trà Vinh: Nghêu chết trắng bãi, gây thiệt hại nặng nề

Phối cảnh nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất. (Ảnh: CA)

Ngày 9/11, ông Đinh Văn Chung, Phó Giám đốc Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất cho biết công ty đang đề xuất với Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc nhận chìm khoảng 15 triệu m3 vật chất trên vùng biển của tỉnh Quảng Ngãi.

Liên quan đến vấn đề này, tỉnh Quảng Ngãi có văn bản 3383/UBND-CNXD thống nhất thỏa thuận lại vị trí nhận chìm ở biển đối với chất nạo vét trong quá trình thi công xây dựng dự án.  Địa điểm dự kiến đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh lựa chọn nằm phía ngoài khơi vịnh Dung Quất, cách đảo Lý Sơn 28,3km về phía Đông, cách khu vực nạo vét luồng tàu khoảng hơn 6,8km và cách khu nguồn lợi thủy sản tiềm năng vùng biển ven bờ vịnh Dung Quất phía Tây Bắc 10km. Đây cũng chính là khu vực mà các đơn vị khác như Doosan, Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn… nhận chìm trong quá trình thi công nạo vét làm bến cảng của các đơn vị này.

Diện tích khu vực nhận chìm khoảng 1,8km2, có độ sâu từ -51 đến -55m, độ dốc khoảng 2%. Để nạo vét và nhận chìm số vật chất này, Công ty thép Hòa Phát Dung Quất dùng tàu hút bụng xả đáy tự hành, có công suất từ 7.000-35.000m3/chiếc.

Sau khi hút vật chất lên khoang chứa của tàu, tàu sẽ di chuyển đến vị trí cần đổ, cửa khoang chứa (nằm dưới thân) sẽ tự động mở ra để xả. Phương pháp này sẽ giảm thiểu tối đa những yếu tố gây ảnh hưởng đến không khí như bụi, tiếng ồn và ít ảnh hưởng đến môi trường nước.

Theo lãnh đạo Công ty Hòa Phát Dung Quất, để làm 11 bến cảng, công ty phải hút cát, bùn ở khu vực này với tổng khối lượng nạo vét khoảng 19,370 triệu m3; đơn vị đã sử dụng gần 4 triệu m3 để san lấp mặt bằng khu đất của dự án. Do đó, tổng khối lượng mà Công ty Hòa Phát xin nhận chìm là khoảng 15,390 triệu m3.

Trước đó, để lý giải 15 triệu m3 vật chất Hòa Phát xin nhận chìm xuống biển là loại gì?

Ông Đinh Văn Chung – Phó Giám đốc Cty thép Hòa Phát Dung Quất giải thích: “Không như nhiều người nghĩ, vật chất mà chúng tôi xin nhận chìm bao gồm cả chất thải rắn dư thừa trong quá trình thi công trên bờ. 15 triệu m3 vật chất xin nhận chìm hoàn toàn là phần cát, tạp chất nạo vét ở lòng biển tại khu vực xây dựng cảng chuyên dùng. Cụ thể, trong các thành phần của số vật chất này, cát biển chiếm đến gần 87%, còn lại là vỏ sò, bùn… Nói một cách dễ hiểu hơn, vật chất xin nhận chìm là cát, tạp chất ở khu vực biển gần bờ, được đưa ra đổ ở vùng biển xa bờ hơn. Không có m3 vật chất nào dư thừa ở trên bờ được đưa ra để nhận chìm xuống biển”.

Ông Đỗ Minh Hải – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi cũng xác nhận: “15 triệu m3 vật chất mà Cty thép Hòa Phát Dung Quất xin nhận chìm xuống biển là cát và một số thành phần khác được nạo vét ở khu vực gần bờ, không có vật chất dư thừa trong quá trình thi công trên bờ được đưa ra biển để nhấn chìm. Giải pháp nạo vét, nhận chìm số vật chất trên bằng tàu hút bụng xả đáy tự hành có nhiều ưu điểm hơn so với kiểu hút, phun lên rồi chở đi nhận chìm”.

Như vậy,  Hoàn toàn không có m3 vật chất dư thừa nào ở trên bờ được đưa ra để nhận chìm xuống biển. Đây chỉ là việc di chuyển vật chất từ nơi này sang nơi khác, từ khu vực gần bờ ra vùng biển xa bờ hơn.

Được biết, Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất được UBND tỉnh Quảng Ngãi trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào tháng 2/2017. Dự án này triển khai xây dựng tại vị trí dự án thép trị giá đầu tư 4,5 tỷ USD có tên Guang Lian (Đài Loan -Trung Quốc) nhưng bỏ hoang hơn 10 năm nay ở khu kinh tế Dung Quất… với tổng diện tích đất sử dụng gần 373 ha, thời gian hoạt động 50 năm.

Hiện tiến độ giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành 55%, dự kiến đi vào hoạt động đầu năm 2019. Khó khăn lớn nhất hiện nay khi thi công, mở rộng cảng Dung Quất là xử lý khối lượng bùn, cát sau thực hiện nạo vét luồng, vũng quay tàu…

B.T (t/h)

   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn tất thủ tục kiến nghị nhận chìm 15 triệu m3 vật chất khi nạo vét cảng Dung Quất