Hoàn thành lắp đặt robot đào hầm đường sắt Nhổn – ga Hà Nội chạy thử trong lòng đất

Trọng Nhân|11/04/2021 08:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ban Quản lý đường sắt đô thị (MRB) cho biết, Robot đào hầm thứ hai của đường sắt Nhổn – ga Hà Nội được lắp đặt xong, bắt đầu chạy thử tại ga ngầm để thí nghiệm và đánh giá, nghiệm thu.

Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, ngày 9/4, máy đào hầm công nghệ TBM (Tunnel Boring Machine – robot đào hầm) thứ hai của tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội chính thức được hoàn thành lắp đặt và bắt đầu bước vào giai đoạn thí nghiệm nghiệm thu tại công trường ga ngầm Kim Mã. Đây được xem là giai đoạn chạy thử của robot đào hầm trước khi đưa vào đào chính thức.

Giai đoạn thí nghiệm nghiệm thu tại công trường (SAT), là quá trình thí nghiệm kiểm tra toàn bộ chức năng của thiết bị sau khi lắp đặt và tích hợp với hệ thống phụ trợ. Mục đích chính của SAT là đánh giá tổng thể thiết bị sau quá trình lắp ráp.

Mày đào hầm “Táo bạo” đã được hoàn thành lắp đặt.

Trong quá trình SAT, các bên sẽ xác nhận hệ thống đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về hiệu suất hay chưa, bao gồm: Công tác lắp đặt hoàn thành và đầy đủ; tích hợp với các hệ thống hỗ trợ; các thông số quy trình quan trọng đạt yêu cầu; chức năng của các thành phần và hệ thống điều khiển hoạt động bình thường và phù hợp với yêu cầu.

SAT được tiến hành tại công trường nhà ga S9 – Kim Mã của dự án, trong vòng một tuần, giữa nhà sản xuất máy đào hầm TBM và nhà thầu Hyundai – Ghella. Sau đó, việc kiểm tra SAT với sự chứng kiến của tư vấn chung và chủ đầu tư là MRB sẽ được tiến hành.

Nội dung của công tác chạy thử, thí nghiệm robot tại công trường gồm: kiểm tra vận hành, thông số và đo lường các thành phần chính của máy, bao gồm các thiết bị: khiên đào, buồng điều khiển, buồng nguyên liệu, vít tải, băng chuyền, thiết bị khoan, dẫn động chính, bộ lắp dựng vỏ hầm, các hệ thống: thủy lực, bôi trơn, mạch nước, khí, an toàn, điện và hệ thống hỗ trợ…

 Phần phía trước của khiên đào hầm

Dự án đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội dùng 2 robot đào hầm giống nhau để đào song song 2 đường hầm. Mỗi máy có chiều dài hơn 100m, nặng khoảng 850 tấn, với bộ phận khiên đào phía trước đường kính 6,55m.

Dự án đường sắt Nhổn – ga Hà Nội có chiều dài 12,5km, gồm 8,5km đi trên cao và 4km đi ngầm (từ Kim Mã đến trước ga Hà Nội). Dự án có tổng mức đầu tư 1.176 triệu Euro, từ nguồn vốn vay ODA Ngân hàng đầu tư châu Âu, Chính phủ Pháp, Ngân hàng phát triển châu Á và vốn đối ứng trong nước. Dự kiến đoạn trên cao sẽ được đưa vào khai thác đoạn vào cuối năm 2021 và hoàn thành, đưa vào khai thác cả đoạn 4km đi ngầm vào cuối năm 2022. Đến nay, dự án đã đưa 3/10 đoàn tàu về dự án và đang trong quá trình thử nghiệm đoàn tàu tại dự án

Trước đó, vào ngày 9-2-2021, máy đào hầm TBM thứ nhất với tên gọi “Thần tốc” đã hoàn thành quy trình SAT.

Gói thầu CP03 – hầm và các ga ngầm là một trong những gói thầu quan trọng nhất của dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn – ga Hà Nội. Theo kế hoạch, trong tháng 5-2021, máy đào hầm “Thần tốc” sẽ bắt đầu khoan ngầm đoạn từ ga S9 – Kim Mã tới ga S12 (ga Hà Nội) ở cuối đường Trần Hưng Đạo với tổng chiều dài 4km. Sau đó khoảng 1 tháng, máy đào hầm “Táo bạo” sẽ khoan ngầm đường hầm song song.

Trọng Nhân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thành lắp đặt robot đào hầm đường sắt Nhổn – ga Hà Nội chạy thử trong lòng đất