Hai học sinh Trường THPT Vị Thủy (H.Vị Thủy, Hậu Giang) đã sáng chế thành công chiếc máy phát hiện rác có khả năng phát ra âm thanh nhắc nhở mọi người bỏ rác đúng nơi quy định.
Sáng chế có tên gọi đầy đủ là “Thiết bị hỗ trợ giáo dục ý thức giữ gìn vệ sinh chung của học sinh”, do Nguyễn Ngọc Diệp và Trần Văn Thương (lớp 11TN2) thực hiện. Ý tưởng sáng tạo chiếc máy này được cả hai ấp ủ từ lâu khi thấy tình trạng học sinh xả rác bừa bãi trong nhà trường còn phổ biến.
“Dù trường đã đặt thùng rác ở nơi quy định nhưng sau mỗi buổi học, chúng em thấy rác vẫn xuất hiện khắp nơi, từ sân trường, gốc cây cho đến các phòng học. Mục đích sáng chế thiết bị này là góp phần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung cho học sinh nhằm tiết kiệm thời gian, công sức trong việc dọn dẹp”, Diệp cho biết.
Tranh thủ thời gian rảnh rỗi sau mỗi buổi học, Diệp và Thương bắt tay vào hoàn thiện ý tưởng, vẽ sơ đồ phác thảo và tìm mua phụ kiện. Do trường ở vùng nông thôn nên việc tìm mua bảng mạch, pin, “mắt thần” cảm biến… rất khó khăn.
Diệp và Thương giới thiệu nguyên tắc hoạt động của máy phát hiện rác
Hai em phải đi khắp các cửa hàng lớn nhỏ và nhờ người đặt hàng qua mạng mới đủ phụ kiện lắp ráp. Trong quá trình thực hiện, không ít lần gặp phải tình trạng gắn sai mạch điện, bộ phận phát âm thanh không phát ra tiếng nói, pin không khớp…
“Những chỗ khó quá chúng em tìm các thầy cô dạy toán, lý, kỹ thuật công nghệ để xin hướng dẫn. Sau 2 tháng gỡ ra làm lại không biết bao nhiêu lần, chúng em đã hoàn thành chiếc máy này”, Thương chia sẻ.
Máy phát hiện rác có kích thước bằng một chiếc hộp nhỏ (khoảng 20 x 30 cm), gồm 5 bộ phận: mắt thần cảm biến và bảng mạch; bộ khung sườn; bộ phận thu âm thanh và điều chỉnh giọng; loa phát âm thanh; pin duy trì hoạt động của thiết bị. Máy hoạt động trên nguyên lý cảm biến của tia hồng ngoại. Khi có người vứt rác gần khu vực đặt thiết bị (bán kính từ 0,3 – 0,5 m), các mắt thần cảm biến gắn xung quanh hộp sẽ nhận biết được chuyển động hay lực rơi của rác để truyền đến mạch âm thanh, sau đó loa sẽ phát ra hiệu lệnh nhắc nhở: “Bạn đã bỏ rác không đúng nơi quy định, đề nghị bạn nhặt rác và bỏ vào nơi đúng quy định”. Từ đó, người đang xả rác ý thức được hành động của mình và biết tự điều chỉnh.
Chiếc máy này có nguyên tắc hoạt động giống như thiết bị đi đường dành cho người khiếm thị hay thiết bị chống trộm, báo khách ở một số cửa hàng… Với ưu điểm kích thước nhỏ gọn và giá thành chỉ khoảng 400.000 đồng/máy nên các trường học có thể mua và đặt máy ở gốc cây, băng đá, góc lớp hay những khu vực học sinh thường xuyên xả rác.
Theo Diệp, sau thời gian thử nghiệm đặt máy tại trường, ý thức giữ gìn vệ sinh của các bạn được nâng cao hơn, tỷ lệ học sinh vứt rác đã giảm nhiều so với trước.
Chiếc máy phát hiện rác có khả năng phát ra âm thanh này đã đoạt giải nhì cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Hậu Giang năm 2016, giải đặc biệt cuộc thi sáng tạo cấp quốc gia khu vực miền Nam được tổ chức tại Đồng Nai.
Ông Nguyễn Quang Sơn, Phó hiệu trưởng Trường THPT Vị Thủy, cho biết: “Nhà trường luôn đánh giá cao, tạo mọi điều kiện cho học sinh thực hiện những sáng kiến mang tính ứng dụng như thiết bị của hai em Diệp và Thương. Có như vậy những kiến thức được học trên lớp mới thực sự bổ ích và đi vào cuộc sống”.
Theo Thanh Niên