Ngày 16/3, 6 sản phẩm khoa học xuất sắc được chọn để thuyết trình tại cuộc thi nghiên cứu khoa học “Vì bạn, vì tôi” diễn ra tại trường THCS và THPT trường Phổ thông liên cấp Olympia, Hà Nội.
Tại cuộc thi này, học sinh lên ý tưởng để giải quyết các vấn đề môi trường như ô nhiễm xung quanh nhà máy, xí nghiệp, bãi rác thải, không khí, tiếng ồn, ùn tắc giao thông…
Học sinh phổ thông tham gia Ngày hội STEAM FAIR 2019.
Đáng chú ý là việc tạo ra máy lọc không khí, thùng rác biết nói, phanh điện từ ngăn xe vượt đèn đỏ.
Đặc biệt với vấn đề ô nhiễm không khí, sản phẩm máy điều hòa không khí City Tree gây ấn tượng nhờ ý tưởng sử dụng năng lượng Mặt Trời hút không khí bẩn vào máy và xử lý bằng hệ thống rêu xanh (loài thực vật dễ sinh trưởng và phát triển trong điều kiện khí hậu Việt Nam, độ bao phủ lớn, thực hiện đầy đủ vai trò của quang hợp của thực vật tạo ra O2 và hút CO2).
Tạ Phú An -Trưởng khối 9 Trường Phổ thông liên cấp Olympia – tự tin đứng trước mô hình sản phẩm máy điều hòa không khí có tên City Tree để thuyết trình. Từ lúc đưa ra ý tưởng đến khi bắt tay vào thực hiện, An và bạn bè đã mất gần 1 tháng cùng trao đổi, làm việc.
Sau mỗi giờ học, các cô cậu lớp 9 này đã ở lại trường, hì hụi sáng tạo. Có hôm, 11h đêm An và các bạn mới từ trường về nhà, vì cố mày mò, chỉnh sửa để sản phẩm được hoàn thiện nhất.
“Hiện nay ở Hà Nội và các đô thị lớn lưu lượng xe ngày càng nhiều. Có tuyến đường phải chặt bỏ cây xanh để mở rộng lòng đường, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Khi cây xanh thiếu, lượng xe cộ tăng, đồng nghĩa với việc có thể xảy ra việc ô nhiễm không khí.
Từ thực tế đó, chúng em đã tìm hiểu và nảy ra ý tưởng tạo ra những chiếc máy điều hòa không khí. Sản phẩm này có thể đặt ở vỉa hè của các tuyền đường, thay thế chức năng của cây xanh . Và City Tree ra đời”- Tạ Phú An chia sẻ.
City Tree được nhóm của An học hỏi từ một sản phẩm của Đức, nhưng các em đã vận dụng kiến thức liên môn Hóa, Lý, Sinh để sáng tạo ra sản phẩm có thể đi vào thực tiễn và phù hợp với điều kiện, thời tiết của Việt Nam.
Mỗi chiếc máy lọc không khí này có thể cao gần 4m và chỉ mất 8 phút để lắp ghép các bộ phận lại với nhau. Sản phẩm này được tạo ra hoàn toàn bằng vật liệu có thể tái sử dụng, chạy bằng năng lượng mặt trời, đồng thời có một cái máng để hứng nước mưa, bể chứa nước dùng để tưới cho rêu (loài thực vật dễ sinh trưởng và phát triển trong điều kiện khí hậu Việt Nam). Tất cả các quy trình vận hành của máy đều được học sinh lắp ghép với cơ chế chạy tự động.
Nhóm bạn trẻ cho rằng, mỗi City Tree tương đương hiệu quả của 275 cây xanh thực vật, có thể hấp thụ khoảng 250g bụi/ngày và hạn chế lượng khí thải nhà kính (loại bỏ 240.000kg CO2 mỗi năm). Đây chính là sản phẩm đã đoạt giải Phát minh sáng chế (tương đương giải nhất) của cuộc thi nghiên cứu khoa học “Vì bạn, vì tôi”, trong khuôn khổ ngày hội STEAM Fair 2019 diễn ra vào 16.3.
TS Đặng Văn Sơn – Giám đốc Học viện Sáng tạo S3 – cho rằng những ý tưởng đó phù hợp khả năng của học sinh, gắn với tình trạng môi trường ở Hà Nội.
Ông nhấn mạnh trong giáo dục STEAM, một trong những điều quan trọng là giải quyết vấn đề thực tiễn của địa phương. Thông qua cuộc thi, các em học được nhiều, biết tìm kiếm thông tin, đưa ra các con số như số lượng rác thải hàng ngày ở Hà Nội, dự báo lượng rác sẽ tăng bao nhiêu phần trăm hàng năm.
Đây cũng là cơ hội để thế hệ trẻ rèn luyện khả năng tự học, tự tìm hiểu và đưa ra cách giải quyết vấn đề trong cuộc sống, khả năng làm việc nhóm.
An Nhiên (T/h)