Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và chỉ đạo Hội nghị; cùng tham dự và chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Hội nghị có sự tham dự của hơn 700 đại biểu, gồm đại diện lãnh đạo: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí; đại diện lãnh đạo các thường trực tỉnh ủy, thành ủy; đại diện lãnh đạo các ban tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy, sở thông tin và truyền thông, hội nhà báo các tỉnh, thành phố; lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương...
Theo Báo cáo tại hội nghị cho thấy, năm 2023 công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh… được quan tâm, chú trọng, có chiều sâu, tạo sức lan tỏa tích cực.
Thông tin về hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước; thông tin về các sự kiện đối ngoại trở thành điểm nổi bật trong bức tranh tuyên truyền tổng thể. Công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có chuyển biến rõ nét từ tư duy đến nội dung, hình thức, cách thức tuyên truyền. Tuyên truyền về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, mang lại hiệu quả cao. Tuyên truyền về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam ngang tầm với tuyên truyền phát triển kinh tế theo đúng định hướng, chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021.
Công tác chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền trên báo chí ngày càng phát huy kết quả tích cực, có nhiều chuyển biến rõ nét trong năm 2023, trong đó, chú trọng lấy tính thuyết phục làm thước đo hiệu quả chỉ đạo, định hướng thông tin. Việc chấn chỉnh, xử lý các hành vi sai phạm trong hoạt động báo chí được triển khai quyết liệt, đồng thời với đó là chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để hỗ trợ báo chí phát triển lành mạnh, đúng định hướng...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, năm 2023 đã qua đi với rất nhiều khó khăn, thách thức kể cả bên ngoài lẫn bên trong. Tuy nhiên, trên rất nhiều phương tiện truyền thông báo chí trong và ngoài nước đánh giá năm 2023 Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn rất quan trọng và khó quên. Những thành tích đạt được rất đáng khích lệ, có thể chưa đạt được như mong muốn nhưng đủ để làm ấm lòng tất cả mọi người để có thể bước tiếp chặng đường đầy gian nan trong năm 2024.
Theo Phó Thủ tướng, trong lĩnh vực báo chí, nhìn chung công tác báo chí năm 2023 đã tốt hơn năm trước rất nhiều trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhanh hơn, kịp thời hơn, và sâu sắc hơn, có sự chia sẻ hơn. Có những bài viết phóng sự rất xúc động, khả năng cạnh tranh cũng có tiến bộ rất đáng kể. Công tác quản lý ngày càng mạnh mẽ, quyết liệt hơn.
Tuy nhiên theo Phó Thủ tướng, báo chí còn sai phạm, ở đâu đó còn kiểu giật tít, có bài báo không có trách nhiệm. Vai trò của cơ quan chủ quản rất mờ nhạt, thậm chí buông lỏng. Vấn đề chuyển đổi số rất chậm, số lượng cơ quan báo chí chuyển đổi số ở mức kém chiếm đến 63%.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh năm 2024 khó khăn theo nhận định còn rất nhiều, diễn biến thế giới và trong nước có những cái chúng ta chưa đoán định được. Có 2 điều ảnh hưởng lớn đó là sự phát triển của khoa học công nghệ, chat GPT, công nghệ AI, biến đổi khí hậu nhanh bất thường đang ảnh hưởng lớn tới người làm báo. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu, các cơ quan báo chí cần đồng hành tốt hơn nữa, kịp thời hơn chia sẻ với những khó khăn trong xã hội, trách nhiệm hơn trong định hướng dư luận. Vì gắn liền với đó là niềm tin, sức mạnh tinh thần.
Đối với cơ quan báo chí cần tiếp tục sắp xếp cơ quan theo kế hoạch để đạt hoàn thành mục tiêu trong năm 2025. Hiện đã xong giai đoạn 1, cố gắng thực hiện thành công đề án sắp xếp báo chí. Trong từng đơn vị cố gắng tổ chức mạnh, gọn, tinh gọn hơn, sản phẩm hấp dẫn hơn.
Theo Phó Thủ tướng, cơ quan chủ quản báo chí phải trách nhiệm hơn, sâu sắc hơn, tăng cường kiểm tra giám sát nhiều hơn chứ không phải chỉ là "cái danh" và "công tác cán bộ".
Về tài chính cho báo chí thì hầu như các địa phương bao cấp hầu hết cho cơ quan báo chí của mình để thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đối với các cơ quan Trung ương thì ngược lại, đang tự tự xoay sở và chỉ có 1 phần từ ngân sách Nhà nước có thể do đặt hàng hàng năm. Do đó về nguyên tắc sẽ có sự hài hoà giữa ngân sách nhà nước và ngân sách do chính các cơ quan báo chí tự lo liệu với nguyên tắc chúng ta sống được nhưng không triệt tiêu đi cái sự phấn đấu nỗ lực vươn lên. Ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 1 phần đối với đơn vị khó và chủ yếu tập trung cho hoạt động đổi mới và đào tạo.
Phó Thủ tướng lưu ý, Bộ Thông tin và Truyền thông cần quan tâm tới tài chính cho các cơ quan báo chí, tháo gỡ cơ chế chính sách như: cơ chế tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập; cơ chế đặt hàng; hay thông tư 19 của Bộ Tài chính về thuế VAT, thuế TNDN.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả, thành tích mà các cơ quan báo chí, người làm báo cả nước đạt được trong năm 2023 và nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Những kết quả thành tích đã tiếp tục khẳng định vai trò, sự nỗ lực bền bỉ, tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ những người làm báo cách mạng Việt Nam.
Nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2024, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu các cơ quan chỉ đạo, định hướng, quản lý báo chí, các cấp hội nhà báo, đặc biệt là các cơ quan báo chí, người làm báo cần nỗ lực hơn nữa phát huy kết quả, thành tích đã đạt được, quyết tâm khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, giải quyết, xử lý tốt những thách thức trong hoạt động báo chí để đạt được yêu cầu “chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Tập trung đẩy mạnh hoàn thiện thể chế pháp luật về báo chí, trong đó, mục tiêu quan trọng nhất là sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016 và hoàn thành Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, phải tạo điều kiện để báo chí phát triển lành mạnh, đúng định hướng.
Tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành chỉ đạo, định hướng thông tin, trong chấn chỉnh, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp; phát huy hiệu quả và hoạt động thực chất hơn của Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo để tạo sức răn đe, xử lý nghiêm minh đối với các hội viên vi phạm. Năm 2024 cần xác định mục tiêu cao là xử lý dứt điểm, căn cơ tình trạng vi phạm của cơ quan báo chí, người làm báo, tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét, lấy lại được niềm tin của công chúng đối với báo chí...
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương lưu ý cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến, những cách làm hay, những mô hình mới. Tăng cường các tuyến bài, chương trình góp phần cung cấp cho độc giả, khán giả những tri thức quý báu của nhân loại; không ngừng bồi đắp, củng cố và phát huy những giá trị tốt đẹp, đạo đức và văn hóa truyền thống của dân tộc.
Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, của các nền tảng truyền thông mới, truyền thông xã hội, hơn bao giờ hết, báo chí phải kiến tạo được dòng thông tin tích cực, chủ lưu, lan tỏa mạnh mẽ, dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội về những điều tốt đẹp trong xã hội; góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Hội nghị thống nhất nhận định năm 2024 có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Điều này đòi hỏi các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí; các cơ quan chủ quản báo chí và cơ quan báo chí phát huy hơn nữa những kết quả trong năm 2023; khắc phục triệt để tồn tại, hạn chế nhằm "xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại" như tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.