Ngày 6/12, tại toạ đàm "Phát triển nền tảng triệu view của cơ quan truyền thông" do báo Người Lao Động tổ chức, các đại biểu nhận định, phát triển báo chí đa nền tảng không chỉ giúp xây dựng các kênh thông tin đa dạng, tiếp cận đông đảo bạn đọc; tạo ra các luồng thông tin chính thống, chống nạn tin giả mà còn làm đa dạng hóa nguồn thu, bảo đảm yếu tố kinh tế báo chí cho mỗi tòa soạn báo.
Song song với cơ hội rộng mở, quá trình này cũng khiến các cơ quan báo chí gặp không ít thách thức như khó khăn về công nghệ, nhân lực, vấn đề bản quyền... và rất nhiều rủi ro khác.
Báo chí cần giữ thế thượng phong
Nhà báo Tô Đình Tuân - Tổng Biên tập báo Người Lao Động cho rằng, hiện nay bạn đọc có tâm lý muốn xem những thông tin "lá cải", trong khi những bài viết về người tốt, việc tốt lại không thu hút lượt xem.
“Hiện nay, có nhiều nội dung chúng ta phải chạy theo MXH. Tuy nhiên, hơn ai hết, báo chí cần giữ thế thượng phong và chúng ta đang có lợi thế để phát triển MXH một cách tốt nhất. Các cơ quan báo chí nhận được sự ủng hộ của cộng đồng, các doanh nghiệp và các đơn vị trong xã hội, do đó cần tích hợp các nền tảng MXH, hướng đến xây dựng nền tảng tỷ view của mình” - ông Tô Đình Tuân nói.
Theo nhà báo Đỗ Thiện, Trưởng Ban Truyền hình đa nền tảng báo Pháp Luật TPHCM, hiện nay đa số người dân tiếp cận tin tức của các cơ quan báo chí thông qua MXH. Khi tham gia MXH, các cơ quan báo chí sẽ bắt trend (xu hướng), nắm được thị hiếu, nhu cầu tin tức của người dùng. Tuy nhiên, việc này cũng đối mặt nhiều rủi ro. Đó là sự phụ thuộc của các cơ quan báo chí về cả nội dung lẫn kỹ thuật vào các nền tảng này. Người làm báo mải mê chạy theo trend trên mạng xã hội để sản xuất tin bài cũng dễ gây ra "mất chất".
Nhà báo Nguyễn Chiến Dũng - Thư ký tòa soạn báo Sài Gòn Giải Phóng điện tử nhìn nhận, ngay ở các cơ quan báo chí chính thống cũng gặp những khó khăn trong quản lý tin giả. Điển hình như thông tin hỗn loạn trong giai đoạn dịch COVID-19. Trên các nền tảng MXH, những vụ vu khống thường đặt tít rất hay nhưng nội dung bên trong lại chẳng mấy liên quan.
Ông Dương Vũ Thông - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TPHCM, cho biết, báo chí đang chập chững bước vào MXH. Cả nước có khoảng 800 cơ quan báo chí nên thông tin rất phong phú. Việc xây dựng mạng lưới cạnh tranh với MXH rất cần thiết. Tuy nhiên, các quy định pháp luật hiện vẫn theo chưa kịp thực tế của nhu cầu phát triển.
Ông Nguyễn Ngọc Hồi - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, cho hay, trong năm 2024 và những năm tiếp theo, chủ đề xuyên suốt của TPHCM là chuyển đổi số. Hiện, các cơ quan báo chí đang chuyển đổi số nhằm tiết kiệm chi phí, tăng tính hiệu quả trong tác nghiệp, sản xuất sản phẩm báo chí và đặc biệt là bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí.
Ông Hồi nhấn mạnh, dù mạng xã hội có theo trend nào đi nữa thì những thông tin chính thống, được kiểm chứng từ các cơ quan báo chí vẫn cần thiết và giữ vai trò quan trọng. “Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM đang xây dựng quy chế để xử lý những hành vi đăng tin giả, xấu, độc lên mạng xã hội” – ông Hồi nói.
Ông Nguyễn Ngọc Hồi - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, cho biết, sở đang xây dựng các kế hoạch, quy chế nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí phát triển nhanh. Đồng thời siết chặt lẫn hỗ trợ để cơ quan báo chí có thể xây dựng thương hiệu trên nền tảng MXH. Thương hiệu này chính là những thông tin được kiểm chứng từ các cơ quan báo chí. Ông Hồi cũng khẳng định sẽ có quy chế xử lý các KOL (người có sức ảnh hưởng) tham gia quảng cáo không đúng sự thật trên các nền tảng MXH, thậm chí là xử lý các công ty quản lý của những KOL này.