Hội nghị COP 23: Tăng kỳ vọng nâng mức cam kết giảm phát thải

09/11/2017 09:55
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Các hoạt động đầu tiên của đoàn Việt Nam tại COP 23

(Moitruong.net.vn) – Sau khi phê duyệt Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, việc thực hiện Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) đang trở thành trọng tâm ở nhiều quốc gia.


Các đại biểu trao đổi tại hội thảo bên lề

Trong khuôn khổ Hội nghị COP 23, Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Freiburg, Viện Chính sách Môi trường và Lâm nghiệp tổ chức Hội nghị bên lề về Tăng cường kỳ vọng NDC và chuẩn bị thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong việc xây dựng Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Ông cho biết Kế hoạch này đề ra những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện một cách đầy đủ Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, phù hợp với hoàn cảnh và ưu tiên của quốc gia. Một số nhiệm vụ chính cần được thực hiện là: Lồng ghép các cam kết vào kế hoạch cấp ngành, địa phương và quốc gia và các hoạt động; Xây dựng Nghị định về lộ trình và phương thức giảm phát thải khí nhà kính nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, cần hoàn thành vào năm 2019; Triển khai nhiệm vụ rà soát và cập nhật NDC. Nhiệm vụ này đã được khởi động vào 28 tháng 6 năm 2017 và dự kiến hoàn thành vào năm 2019.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày về việc rà soát đầu tư và chi tiêu của khu vực tư nhân cho BĐKH (PCEIR).

Ông khẳng định, càng ngày khu vực tư nhân càng có vai trò quan trọng trong các vấn đề lớn như BĐKH. Việc xem xét chính sách đầu tư, nhu cầu đầu tư của khu vực tư nhân cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng mức cam kết giảm phát thải.

Tháng 4, năm 2015, Ngân hàng thế giới và UNDP đã công bố báo cáo CPEIR – đánh giá chi tiêu và đầu tư công cho ứng phó với BĐKH tại Việt Nam. Phần lớn các khoản chi tiêu của khu vực tư nhân (KVTN) liên quan đến lĩnh vực giảm nhẹ không nằm trong khuôn khổ của Báo cáo đầu tư công CPEIR – 2015.

Để thực hiện CPEIR liên quan đến khu vực tư nhân, cần giải quyết các hạn chế như chưa có phân tích, nghiên cứu nào tập trung vào việc theo dõi dòng tài chính khí hậu của tư nhân tại Việt Nam; phạm vi rộng: đầu tư của khu vực tư nhân trải rộng vào nhiều ngành nghề, lĩnh vực của nền kinh tế, liên quan đến BĐKH; thách thức về số liệu: số liệu về đầu tư tư nhân không được công bố và phân tán, tính bảo mật, các nhà đầu tư không nghĩ tới yếu tố khí hậu trong dự án đầu tư; xử lý với vấn đề thiếu số liệu: nhận dạng dự án khí hậu/dự án xanh, theo phương pháp của chuyên gia, nhận dạng chi phí, nghiên cứu điển hình và ngoại suy.

Các ngành và tiểu ngành được lựa chọn trong khuôn khổ PCEIR là năng lượng tái tạo và hiệu qủa năng lượng như xi măng, thép, mía đường, giấy. Một số bên liên quan trong đầu tư của tư nhân là Các doanh nghiệp và công ty (khu vực tư nhân); Ngân hàng và các tổ chức tài chính; Các hộ gia đình và các tổ chức phi chính phủ (NGOs); Các nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật (TSPs); Các công ty dịch vụ năng lượng (ESCOS). Một số nội dung cần rà soát là: Khung chính sách tài chính xanh; Các công cụ chính sách, các hỗ trợ cho đầu tư của tư nhân; Đầu tư tư nhân trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng đối với các ngành lựa chọn; Đầu tư tư nhân trong năng lượng tái tạo theo các nguồn; Nhu cầu đầu tư tư nhân trong hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Chánh văn phòng REDD Việt Nam trình bày về những đóng góp của Sáng kiến giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng (REDD+) vào NDC của Việt Nam.

Từ năm 2009, Việt Nam đã tham gia vào các sáng kiến REDD + với 44 dự án REDD +, ước tính khoảng 84 triệu đô la Mỹ hỗ trợ nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực và các hoạt động thí điểm, mô hình và chuẩn bị cho việc thực hiện REDD + ở Việt Nam. Cho tới nay có 17 Kế hoạch hành động REDD cấp tỉnh được phê duyệt đến năm 2020 và 12 tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo REDD +.

Rõ ràng, ngành lâm nghiệp có vai trò rất lớn trong giảm phát thải. Việc đầu tư vào hạn chế suy thoái rừng, tăng diện tích che phủ rừng là một trong những trọng tâm trong kế hoạch giảm phát thải của Việt Nam.

Các mục tiêu cụ thể của Kế hoạch hành động REDD quốc gia (NRAP) đóng góp cho INDC trong giai đoạn 2021-2030: Ổn định diện tích rừng tự nhiên vào năm 2030, ít nhất, bằng với năm 2020 (14,4 triệu ha) và tăng độ che phủ rừng lên 42% vào năm 2020 và lên đến 45% diện tích quốc gia vào năm 2030, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia giảm tổng phát thải khí nhà kính 8% vào năm 2030 so với kịch bản kinh doanh bình thường (BAU) như cam kết trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Đóng góp này có thể tăng lên 25% nếu nhận được sự hỗ trợ của quốc tế.

Hội nghị bên lề nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu quốc tế, các trường đại học, các nhà nghiên cứu, các đối tác phát triển hỗ trợ Việt Nam trong ứng phó với BĐKH và thực hiện NDC.

Theo  Monre

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hội nghị COP 23: Tăng kỳ vọng nâng mức cam kết giảm phát thải
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.