Dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng; Thường trực cấp ủy cấp tỉnh; cán bộ chủ chốt các cấp... với tổng số hơn 1.196.000 cán bộ, đảng viên.
Tại hội nghị, các đại biểu nghe các chuyên đề về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”; “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”; “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; “Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Những chuyên đề này do các lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng trực tiếp truyền đạt nhằm giúp các đại biểu nắm bắt một cách đầy đủ, chuẩn xác và có hệ thống tinh thần của các Nghị quyết, Kết luận Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Trong phiên làm việc sáng nay (5/12), các đại biểu nghe Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, trình bày chuyên đề “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nêu rõ, đến nay nhận thức lý luận nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày càng thống nhất, đầy đủ và sâu sắc hơn. Hệ thống pháp luật được hoàn thiện một bước cơ bản. Vai trò pháp luật và việc thực thi pháp luật được chú trọng; Cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước ngày càng rõ ràng hơn và có chuyển biến tích cực. Cùng với đó, tổ chức và hoạt động của Quốc hội có nhiều đổi mới chất lượng được nâng cao.
Theo Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Nghị quyết Trung ương 6 lần này khẳng định rõ 8 đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là một trong những điểm mới, nổi bật của Nghị quyết.
Theo đó, Nghị quyết khẳng định, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. “Đặc trưng này thể hiện tính đặc thù của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phù hợp với hệ thống chính trị Việt Nam”, ông Phan Đình Trạc nhấn mạnh.
Đặc trưng thứ hai của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, đây là nội dung nhằm thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Điều 2 Hiến pháp năm 2013.
Đặc trưng thứ ba là quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân vừa là bản chất, vừa là mục tiêu của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là giá trị cao cả của xã hội.
Đặc trưng thứ tư là Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật. Đây là đặc trưng xuyên suốt bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đặc trưng thứ năm là quyền lực nhà nước thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Đặc trưng thứ sáu là hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, được thực hiện nghiêm minh và nhất quán.
Đặc trưng thứ bảy là bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Đặc trưng thứ tám là tôn trọng và bảo đảm thực hiện các điều ước quốc tế mà Nhà nước đã ký kết hoặc gia nhập, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp quốc, pháp luật quốc tế.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tiếp tục xây dựng và hoàn thện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho biết, tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục, nâng cao nhận thức về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiên minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.
"Tiếp tục đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, tiếp tục thực hiện tốt thiết chế Chủ tịch nước theo Hiến pháp. Tiếp tục đổi mới tổ chức hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương, xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân chuyên nghiệp, pháp quyền hiện đại, hiệu lực hiệu quả. Xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng tiêu cực" - Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nhấn mạnh.
Tại Hội nghị lần này, các đại biểu cũng sẽ nghe các chuyên đề: “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”; “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; “Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Những chuyên đề này do các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng trực tiếp truyền đạt, nhằm giúp các đại biểu nắm bắt một cách đầy đủ, chuẩn xác và có hệ thống tinh thần của các Nghị quyết, Kết luận Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.