Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị lần thứ X Vùng châu Á - Thái Bình Dương trong Liên minh Nghị viện Pháp ngữ

Hà My|29/11/2022 10:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Hội nghị lần thứ X Vùng châu Á - Thái Bình Dương trong Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF) do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức đã chính thức khai mạc vào chiều qua, ngày 28/11, tại Thành phố Đà Nẵng. Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự và phát biểu khai mạc Hội nghị.

29-hoi-nghi-phap-ngu-tran-thanh-man-khai-mac-hn.jpg
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh – Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong APF, Phụ trách Vùng châu Á – Thái Bình Dương trong APF; Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Lê Anh Tuấn; Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Đặng Xuân Phương; các đại biểu Quốc hội thuộc Phân ban Việt Nam trong APF; đại diện một số Uỷ ban của Quốc hội và một số Bộ, ngành liên quan.

Cùng tham dự còn có các nghị sĩ Nghị viện các nước thành viên Vùng châu Á – Thái Bình Dương trong APF; đại diện các Vùng, Phân ban Pháp; Ban Thư ký APF; các thể chế Pháp ngữ tại khu vực và đại diện một số Đại sứ quán và Tổ chức quốc tế khác.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh – Chủ tịch Phân ban Việt Nam, Phụ trách Vùng châu Á – Thái Bình Dương, xuất phát từ mối quan hệ lịch sử, Việt Nam là thành viên của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ từ những ngày đầu thành lập. Song từ Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ Hà Nội 1997 và việc tham gia nhiều hoạt động của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) đến nay đã minh chứng cho quá trình mở cửa và hội nhập quốc tế cũng như sự tham gia tích cực của Việt Nam trong việc xây dựng và củng cố Cộng đồng Pháp ngữ.

Kể từ năm 1991, sau khi trở thành thành viên chính thức của Liên minh các nghị sĩ nói tiếng Pháp, thông qua Phân ban Việt Nam trong APF, Quốc hội Việt Nam luôn là thành viên tích cực, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, chủ động tham gia các hoạt động của APF với mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác vì sự phát triển chung giữa các nước trong Cộng đồng Pháp ngữ. Trên tinh thần đó, Quốc hội Việt Nam đã tổ chức và tham gia các hoạt động của APF như nhiều Hội nghị cấp Ủy ban, Vùng và các Hội thảo chuyên đề cũng như có nhiều sáng kiến trong nỗ lực đóng góp đối với APF... Kể từ khi thành lập Vùng năm 2006, đây là lần thứ 4 Hội nghị được tổ chức ở Việt Nam.

Thay mặt Quốc hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chào mừng các vị đại biểu đến từ các Phân ban khu vực châu Á - Thái Bình Dương của APF cùng các đại biểu đại diện các tổ chức quốc tế trong khu vực tham dự phiên khai mạc Hội nghị lần thứ X Vùng châu Á - Thái Bình Dương.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, từ khi Hội nghị thành lập tại Huế năm 2006 với sự tham gia của 4 Phân ban Campuchia, Lào, Vanuatu, Việt Nam đã có sự mở rộng rất ấn tượng từ năm 2019 với sự tham gia của các Phân ban Nouvelle-Calédonie, Polynésie française và Wallis-Futuna. Vượt qua trở ngại về mặt địa lý, sự có mặt đầy đủ của các vị nghị sĩ, đặc biệt là Chủ tịch Quốc hội Polynésie française và Chủ tịch Hội đồng Nouvelle-Calédonie khẳng định sự tham gia mạnh mẽ của Vùng đối với các hoạt động đa phương, vào các cơ chế của APF; đồng thời tăng cường để hoạt động của Vùng là cơ hội trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, thúc đẩy hợp tác, có những đóng góp tích cực đối với với APF và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ.

29-hoi-nghi-phap-ngu-toan-canh.jpg
Toàn cảnh Hội nghị lần thứ X Vùng châu Á - Thái Bình Dương trong Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF).

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng cho biết, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng sau hơn 35 năm Đổi mới. Năm 2022, mặc dù vẫn chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và diễn biến phức tạp ở nhiều nơi trên thế giới, tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực. Bên cạnh đó, Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở vì hoà bình, hợp tác và phát triển, thực thi chính sách đối ngoại đa phương hoá, đa dạng hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam đã phát huy vai trò thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO,...

Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ và các nước thành viên trong Cộng đồng Pháp ngữ luôn giữ một vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Việt Nam luôn chia sẻ và ủng hộ các giá trị và mục tiêu cao cả của Cộng đồng Pháp ngữ, đó là hòa bình, dân chủ và đa dạng văn hóa - ngôn ngữ, đoàn kết, hợp tác và phát triển. Đây cũng là những mục tiêu mà Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đang nỗ lực thực hiện trong công cuộc đổi mới toàn diện hiện nay và đã đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, với chức năng lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, Quốc hội Việt Nam đã và đang tích cực đổi mới các hoạt động theo hướng hiệu quả, thiết thực trên tinh thần dân chủ và pháp quyền. Trong những năm qua, với sự nỗ lực, đoàn kết và gắn bó mật thiết với Nhân dân, Quốc hội Việt Nam đã xây dựng được hệ thống pháp luật đủ về số lượng, ngày càng nâng cao về chất lượng trên tất cả các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội.

Trên kênh ngoại giao liên nghị viện, Quốc hội Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của các tổ chức liên nghị viện khu vực và thế giới như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Liên minh nghị viện Pháp ngữ (APF), Diễn đàn nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF), Hội đồng liên nghị viện các nước Đông Nam Á (AIPA) và nhiều tổ chức liên nghị viện khác.

Quốc hội Việt Nam đánh giá cao vai trò của APF với các mục tiêu thúc đẩy và bảo vệ dân chủ, nhà nước pháp quyền, tôn trọng quyền con người, duy trì và phát triển sự đa dạng ngôn ngữ và văn hóa. APF đã tham gia ngày càng tích cực vào các hoạt động quốc tế, khởi xướng và triển khai các hoạt động thúc đẩy hợp tác liên nghị viện, tăng cường mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa các thể chế nghị viện, đặc biệt là trong Cộng đồng Pháp ngữ.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, những chủ đề được thảo luận tại Hội nghị là những chủ đề thời sự và vô cùng cần thiết đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt trong bối cảnh khu vực chịu tác động nặng nề đại dịch của COVID-19 cùng tình hình biến đổi khí hậu hết sức phức tạp tại Campuchia, Lào, Việt Nam cũng như các quần đảo Nam Thái Bình Dương.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các nghị sĩ trao đổi cởi mở, đối thoại và tham vấn; đồng thời tăng cường hợp tác nhằm tìm ra các giải pháp sáng tạo cho những thách thức đa chiều mà các nước Pháp ngữ đang phải đối mặt. Cùng với đó đề nghị các nghị sĩ Pháp ngữ tăng cường vai trò cầu nối, đóng góp vào việc thiết lập và củng cố các mối quan hệ đối tác thương mại hiệu quả giữa các thành phần kinh tế trong không gian Pháp ngữ, góp phần hiện thức hóa ý tưởng về một Pháp ngữ kinh tế sâu rộng - ý tưởng khởi nguồn từ chủ đề của Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 7 tại Việt Nam năm 1997 về “Tăng cường hợp tác và tình đoàn kết Pháp ngữ vì hòa bình và phát triển kinh tế, xã hội”.

Phát biểu chào mừng Hội nghị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết Hội nghị lần thứ X Vùng Châu Á - Thái Bình Dương diễn ra tại thành phố biển Đà Nẵng, nằm ở vị trí trung tâm miền Trung Việt Nam, là trung điểm của ba di sản văn hóa thế giới nổi tiếng và là một trong những cửa ngõ quan trọng ra biển của Tây Nguyên và các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar đến các nước trong khu vực Đông Nam Á thông qua Hành lang Kinh tế Đông Tây (EWEC).

Đến nay, thành phố Đà Nẵng đã thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác với 47 địa phương của 22 quốc gia và vùng lãnh thổ với 103 thỏa thuận đã được ký kết. Trong bức tranh đó, quan hệ hợp tác giữa Đà Nẵng và các quốc gia trong cộng đồng Pháp ngữ tiếp tục được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực. Các hoạt động hữu nghị hợp tác diễn ra thường xuyên tại thành phố Đà Nẵng là minh chứng cho những nỗ lực hợp tác giữa các tổ chức Pháp ngữ và thành phố Đà Nẵng.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng tin tưởng với sự hỗ trợ tích cực của Liên minh Nghị viện Pháp ngữ, quan hệ giữa thành phố Đà Nẵng và các địa phương thành viên Vùng Châu Á - Thái Bình Dương nói riêng, Việt Nam - Liên minh Nghị viện Pháp ngữ nói chung sẽ đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị lần thứ X Vùng châu Á - Thái Bình Dương trong Liên minh Nghị viện Pháp ngữ
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.