Hội nghị triển khai kế hoạch giám sát của Quốc hội năm 2023

Thu Trinh|27/09/2022 12:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Sáng nay ngày 27/9 tại Phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, kết nối trực tuyến với 49 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong cả nước.

qh27.jpg
Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023.

Chủ trì Hội nghị là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Phó Chủ tịch Quốc hội- Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu khai mạc và điều hành Hội nghị.

Hội nghị nhằm triển khai Nghị quyết số 47/2022/QH15 ngày 6/6/2022 về Chương trình giám sát năm 2023 của Quốc hội và Nghị quyết số 23/2022/UBTVQH15 ngày 04/8/2022 về Chương trình giám sát năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đây là lần thứ 2 Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị này, sau Hội nghị đầu tiên về triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022 được tổ chức vào đầu tháng 11/2021.

Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao 2 chuyên đề: “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”; “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng giám sát 2 chuyên đề: Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”.

Hội nghị sẽ đánh giá khái quát tình hình triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 và triển khai các nội dung thuộc Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023. Đặc biệt là chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc và tập trung đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện 4 chuyên đề giám sát trên cũng như nâng cao hiệu quả công tác điều hòa, phối hợp hoạt động tiến hành giám sát.

Theo Nghị quyết 47, tại kỳ họp 5 (tháng 5/2023), ngoài các nội dung giám sát thường lệ, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo giám sát về việc sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), Quốc hội sẽ xem xét báo cáo giám sát về 3 chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Bên cạnh đó, tại kỳ họp cuối năm 2023, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn.

Theo Nghị quyết 23, việc chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh này sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện trong phiên họp tháng 9/2023.

Các chức danh do Quốc hội bầu gồm: Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Phó chủ tịch nước, 4 Phó chủ tịch Quốc hội, 13 Ủy viên Thường vụ Quốc hội (gồm Tổng thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm 9 Ủy ban của Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện và Trưởng ban Công tác đại biểu), Tổng kiểm toán Nhà nước.

Các chức danh Quốc hội phê chuẩn, gồm: 4 Phó thủ tướng Chính phủ, 18 bộ trưởng, 4 thủ trưởng cơ quan ngang bộ (Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổng thanh tra Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Chính phủ).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hội nghị triển khai kế hoạch giám sát của Quốc hội năm 2023
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.