Hơn 5.000 mỏ khoáng sản, hàng trăm nhà máy giấy lạc hậu đang tác động xấu đến môi trường

Theo Bizlive|21/10/2019 08:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Các mỏ khoáng sản phát sinh lượng bụi, nước thải lớn làm ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước trong khi các nhà máy giấy công nghệ lạc hậu, thiết bị cũ, sử dụng nhiều hoá chất gây ô nhiêm có độc tính cao…

Chỉ có thu, chưa sử dụng đầu tư trở lại bảo vệ môi trường

Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) gửi đến các đại biểu Quốc hội phục vụ kỳ họp Quốc hội dự kiến diễn ra vào 21/10 tới đây đã chỉ ra nhiều khó khăn, hạn chế trong vấn đề bảo vệ môi trường.

Theo Bộ TN&MT, nước thải đô thị phát sinh ngày càng lớn, hạ tầng thu gom, xử lý chưa đáp ứng nhu cầu, hầu hết chưa qua xử lý, xả thải ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước mặt trong các đô thị, khu dân cư, còn xảy ra các sự cố nước thải công nghiệp gây ô nhiễm môi trường.

Ảnh minh họa.

Lượng nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý đổ ra các lưu vực còn lớn, hiện mới chỉ có khoảng 20% nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý, còn hiện tượng cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ lén lút xả thải.

Khối lượng chất thải rắn phát sinh tiếp tục gia tăng mạnh, hầu hết rác thải sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn, năng lực thu gom, xử lý chất thải của một số địa phương còn nhiều hạn chế. Trong khi lượng rác thải nhựa và túi nilong khó phân hủy và độ nhựa sử dụng một lần vẫn tiếp tục tăng.

Ô nhiễm không khí tại đô thị lớn được Bộ TN&MT chỉ ra là diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng tại một số thời điểm trong ngày và một số ngày trong năn, nhất là khi có sự kết hợp giữa các yếu tố khí tượng, khí hậu, hiện tượng thời tiết sương mù với sự gia tăng các nguồn phát thải ô nhiễm không khí. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) có thời điểm vượt ngưỡng an toàn.

Trên phạm vi cả nước còn nhiều dự án, cơ sở thuộc loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, phát sinh lượng chất thải lớn, có tính độc hại cao đối với môi trường như khai thác khoáng sản, sản xuất giấy, dệt nhuộm, nhiệt điện, sản xuất thép, hóa chất, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật…

Báo cáo chỉ ra Việt Nam hiện có 5.000 mỏ và điểm khai thác khoáng sản làm phát sinh lượng bụi, nước thải lớn, gây tác động xấu đến môi trường do ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước; khoảng 300 doanh nghiệp sản xuất giấy, bột giấy hầu hết sử dụng công nghệ lạc hậu, thiết bị cũ, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do phải trải qua nhiều quá trình như tẩy mực, băm nhuyễn, làm trắng… sử dụng nhiều loại hoá chất và bản thân các phế phẩm từ giấy cũng chứa nhiều chất gây ô nhiễm có độc tính cao;

Bên cạnh đó, có 25 nhà máy nhiệt điện than, 65 nhà máy sản xuất gang thép có công suất 100.000 tấn/năm trở lên… nếu không được quản lý, tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải tốt sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Đáng chú ý, báo cáo cũng chỉ ra rằng, nguồn thu từ môi trường chưa được sử dụng đầu tư trở lại cho bảo vệ môi trường. Trong khi ở Trung Quốc và các nước ASEAN đầu tư cho môi trường trung bình hàng năm chiếm trên 1% GDP, các nước phát triển thường chiếm 3-4% GDP.

Việt Nam thua Campuchia về số người quản lý nhà nước về môi trường/1 triệu dân

Báo cáo cũng cho biết, bộ máy quản lý nhà nước về môi trường dù đã được kiện toàn nhiều lần nhưng vẫn chưa đồng bộ và thống nhất từ trung ương đến địa phương, chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao, phát triển chưa theo kịp với diễn biến ngày càng phức tạp của các vấn đề môi trường. Lực lượng cán bộ quản lý về môi trường còn quá ít so với yêu cầu trong khi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ quản lý còn yếu kém, nhất là ở các địa phương.

Hiện nay nước ta chỉ có khoảng 32 người làm công tác quản lý nhà nước về môi trường trên 1 triệu dân. Trong khi, con số này ở Trung Quốc là 40 người, Campuchia là 55 người, Malaysia là 100 người, Singapore là 350 người, Canada là 155 người, Anh là 204 người. Số liệu thống kê cũng cho thấy, khoảng gần 60% cán bộ quản lý môi trường cấp huyện không có bằng cấp chuyên môn về môi trường.

Cuối cùng, thực trạng quản lý môi trường của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều yếu kém, chưa chủ động, tự giác thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ môi trường, phần lớn vẫn chạy theo lợi nhuận, coi nhẹ bảo vệ môi trường thậm chí không quan tâm đến đầu tư bảo vệ môi trường. Ý thức tự bảo vệ môi trường của người dân nói chung còn nhiều hạn chế…

Do vậy, giải pháp được nêu ra là hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý chất thải rắn, hoàn thiện hệ thống các quy định về bảo vệ môi trường; rà soát tăng cường giám sát bảo vệ môi trường; tăng cường kiểm tra đột xuất…

Theo Bizlive

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hơn 5.000 mỏ khoáng sản, hàng trăm nhà máy giấy lạc hậu đang tác động xấu đến môi trường