Quang cảnh còn sót lại ở thị trấn Adonara, phía đông đảo Flores (Indonesia) ngày 4.4 do hậu quả của mưa lũ. Ảnh: AFP
AFP đưa tin, lũ lụt gây ra do mưa xối xả đã đổ bộ và tàn phá khắp các hòn đảo trải dài từ đảo Flores ở Indonesia cho đến Timor Leste, làm hàng nghìn người phải đi sơ tán.
Trận đại hồng thủy cùng những trận lở đất kéo theo sau đó đã khiến nước ở các con đập dâng tràn, nhấn chìm hàng nghìn ngôi nhà. Lực lượng cứu hộ phải vật lộn để tiếp cận những người sống sót đang bị mắc kẹt.
Phát biểu trên kênh truyền hình MetroTV ngày 5/4, người phát ngôn Cơ quan Quản lý Thiên tai Indonesia Raditya Djati cho biết 55 người đã thiệt mạng và con số này sẽ tăng trong khi khoảng 42 người mất tích do lũ quét và lở đất tại tỉnh Đông Nusa Tenggara, miền Trung nước này. Thiên tai cũng ảnh hưởng đến 334 hộ gia đình, buộc hàng trăm người phải rời nhà đi lánh nạn. Ít nhất 4 ngôi nhà chịu thiệt hại nghiêm trọng, 12 nhà bị hư hại nhẹ và 17 nhà bị nước lũ cuốn trôi. Công tác tìm kiếm và cứu nạn gặp khó khăn do nhiều tuyến đường ngập bùn cũng như một số khu vực bị cô lập.
Trong khi đó, một quan chức Timor Lester cũng thông báo ít nhất 21 người đã thiệt mạng tại quốc gia nhỏ bé này, phần lớn là tại thủ đô Dili – nơi đang ngập trong nước lũ.
Khu vực phía đông hòn đảo Flores của Indonesia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của mưa lũ với nhiều ngôi nhà, cây cầu và đường sá đều bị bùn đất bao phủ, thậm chí cuốn trôi khiến lực lượng cứu hộ đã phải rất khó khăn trong việc tiếp cận. Các quan chức địa phương buộc phải triển khai các thiết bị hạng nặng để khai thông các con đường.
Nhu cầu về thuốc men, thức ăn và chăn màn của người dân ở vùng chịu ảnh hưởng là rất lớn. Tuy nhiên, những cơn mưa lớn vẫn đang thách thức nỗ lực tìm kiếm và cứu nạn những người còn sống sót.
Quốc gia quần đảo ở Đông Nam Á này thường xuyên phải hứng chịu các hiện tượng lở đất và lũ quét chết người trong mùa mưa. Hồi tháng 1, một trận lũ quét xảy ra ở thị trấn Sumedang, Tây Java của Indonesia đã khiến 40 người thiệt mạng. Tháng 9.2020, ít nhất 11 người đã thiệt mạng trong các trận lở đất ở Borneo.
BNPB ước tính có khoảng 125 triệu người Indonesia – chiếm gần một nửa dân số cả nước – sinh sống tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất. Các nhà bảo vệ môi trường cho rằng các thảm họa thiên nhiên có nguyên nhân do nạn chặt phá rừng bừa bãi gây ra.
Huyền Nhung