Theo báo South China Morning Post, tiến sĩ Alexis Lau Kai-hon của ĐH Khoa học và công nghệ Hong Kong hy vọng ứng dụng sẽ đặc biệt có ích với những người nhạy cảm với ô nhiễm không khí như bệnh nhân hen suyễn…
“Hầu hết mọi người tìm kiếm những tuyến đường đi nhanh nhất hoặc rẻ nhất, hay những tuyến đường ít phải đi bộ nhất. Tuy nhiên, ứng dụng mới của chúng tôi cho phép mọi người hỏi vấn đề khác – tuyến đường nào giúp tôi ít bị tiếp xúc không khí ô nhiễm hơn?” – ông Lau nói.
Theo tiến sĩ Lau, đây là điều đáng để hỏi khi một người đi làm xa nhà, phải di chuyển qua nhiều con đường khác nhau trong thành phố và hít phải nhiều chất ô nhiễm khác nhau.
PRAISE-HK thông tin cho người dùng mức độ ô nhiễm không khí trên mọi đường phố ở Hong Kong.
Để làm được điều đó, ứng dụng PRAISE-HK thu thập dữ liệu chất lượng không khí của chính quyền đặc khu tại 15 trạm quan sát ở mỗi quận và ba trạm ven đường ở khu dân cư Causeway Bay, Central và Mong Kok, cùng dữ liệu thời tiết trong khu vực.
Ứng dụng PRAISE-HK chỉ dẫn người dùng các tuyến đường đi qua những khu vực ít ô nhiễm nhất ở Hong Kong – Ảnh: HKUST
Ngoài cung cấp dự báo về tình trạng ô nhiễm không khí, ứng dụng cũng giúp người dùng đánh giá nguy cơ sức khỏe bản thân từ việc hít phải các chất ô nhiễm tại các khu vực khác nhau.
Ông Lau cho biết người dùng được miễn phí tải ứng dụng PRAISE-HK về điện thoại cho đến cuối năm nay. Họ cũng là người có thể hỗ trợ dữ liệu đầu vào cho ứng dụng, đặc biệt là thành viên của Hội Hen suyễn Hong Kong.
Ông Lau hy vọng ứng dụng sẽ là phương tiện giúp thu thập dữ liệu khoa học, như dữ liệu đầu vào về triệu chứng sức khỏe của người dùng. Dữ liệu có thể được chia sẻ với giới nghiên cứu để hiểu thêm về tác động của ô nhiễm không khí với sức khỏe con người.
Ô nhiễm không khí tại Hong Kong hôm 23-7 ở mức “rất cao” – mức 4 – theo thang chỉ số sức khỏe liên quan đến chất lượng không khí có 5 mức của Cục Bảo vệ môi trường Hong Kong.
Theo TTO