Huế: Di tích Khâm Thiên Giám xuống cấp nghiêm trọng, đe dọa cuộc sống nhiều hộ dân

Hoàng Lộc|22/01/2019 04:49
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Từng là cơ quan quan trọng của triều Nguyễn, tuy nhiên, di tích Khâm Thiên Gíam (nằm trên đường Hàn Thuyên, phường Thuận Thành, TP Huế) hiện nay lại xuống cấp trầm trọng, đe dọa đến cuộc sống của nhiều hộ dân sống xung quanh khu di tích này.

>>> “Hành Trình Kết Nối Trái Tim” mang Tết yêu thương đến gần với trẻ mồ côi và người già neo đơn

>>> Chất lượng không khí Hà Nội kém

Cổng dẫn vào Di tích Khâm Thiên Gíam

Di tích Khâm Thiên Giám (nằm trên đường Hàn Thuyên, phường Thuận Thành, TP Huế) được thành lập dưới thời vua Gia Long. Đây là cơ quan quan sát và chiêm nghiệm âm dương các bói toán, các hiện tượng thiên văn, thời tiết, làm lịch, coi ngày, báo giờ để định mùa vụ cho dân, giữ đồng hồ báo canh ở điện Cần Chánh, và giữ trọng trách tư vấn triều đình về các vấn đề địa lý và phong thủy. Vào năm 1918, vua Khải Định cho di dời Khâm Thiên Giám từ góc nam của kinh thành Huế về vị trí hiện tại, đến nay đã tròn 100 năm.

Di tích Khâm Thiên Giám hiện nay xuống cấp nghiêm trọng

Theo quan sát của PV tại đây, phía bên ngoài di tích, từng mảng lớn đổ xuống vương vãi khắp nơi, hệ thống tường bị ẩm mốc, rêu bám đầy. Đi vào bên trong, người dân khuyến cáo chúng tôi phải đội mũ cối hoặc mũ bảo hiểm nếu không từng mảng ngói đổ xuống gây nguy hiểm đến tính mạng. Các gian phía bên trong, toàn bộ hệ thống mái ngói đổ sập xuống, chất thành đống. Hệ thống cột kèo bị mối, mọt ăn rỗng, tường bị nứt mẻ nghiêm trọng.

Bà Nguyễn Thị Duyệt (79 tuổi, người sống cạnh khu di tích hơn 50 năm nay) cho biết bà rất là nơm nớp, lo sợ sự xuống cấp trầm trọng của di tích này ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt hàng ngày của gia đình bà nhất là khi mùa mưa bão sắp đến gần.

“Có hôm tôi ra mái hiên phơi quần áo xong thì nghe tiếng “ầm”, tôi giật mình quay lại thì nhìn thấy đống mảng ngói rơi xuống ngay trước mắt. Nhất là mỗi khi mùa mưa bão đến, tôi phải vứt đống đồ đạc ở nhà đế sang nhà hàng xóm lánh tạm chứ không thể nào ở đây được”

Trước thực trạng trên, bà Nguyễn Thị Duyệt có xin chính quyền địa phương sửa lại nhà nhưng không được chấp thuận.

“Người ta nói đây là di tích nên không được thay phần mái ngói thành mái tôn nên tôi đã kêu mấy đứa con mua bạt nilon về lợp lên phần ngói cũ để tránh mưa nắng”, bà Duyệt chia sẻ.

Phía sau nhà bà Nguyễn Thị Duyệt là nhà của ông Trần Đức Sơn (61 tuổi, người sống trong khu di tích hơn 40 năm nay). Ông Sơn cho biết: “ Hệ thống mái ngói của khu di tích trước nhà tôi rất là xập xệ, các kèo bị gãy ra. Vào mùa mưa bão, tôi không dám đi ra ngoài vì sợ các mảng ngói rơi sập xuống rất là nguy hiểm đến tính mạng”.

Phía bên trong, từng mảng gạch, ngói đổ sập xuống, chất thành đống

Được biết, vào năm 2013, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế lập dự án bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích trình lên Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch và bộ ra văn bản đồng ý. Thế nhưng, hiện nay dự án này vẫn chưa được thực hiện vì gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc.

Trước thực trạng xuống cấp nghiêm trọng của di tích Khâm Thiên Giám, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã cho công chân đưa mái tôn vào để che đậy phần mái ngói bị đổ sập, cùng với đó là dùng hệ thống sắt, gỗ gia cố, chống đỡ hệ khung tạm thời để di tích có thể đứng vững qua mùa mưa bão.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Phan Văn Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, hiện có 27 hộ dân đang sinh sống trong khuôn viên khu di tích Khâm Thiên Giám.

“Di tích Khâm Thiên Giám nằm trong kế hoạch tu bổ của hệ thống Di sản Huế giai đoạn 2016-2020. Trung tâm sẽ trích 30% trong tổng số doanh thu từ việc bán vé thăm quan năm 2018 để phục vụ cho việc giải tỏa mặt bằng. Sau đó, chúng tôi sẽ thuyết phục để di dời hộ bà Duyệt trước rồi chờ vốn ngân sách để trùng tu, tôn tạo di tích sau”, ông Tuấn cho biết thêm.

                                                                                                    Hoàng Lộc

   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Huế: Di tích Khâm Thiên Giám xuống cấp nghiêm trọng, đe dọa cuộc sống nhiều hộ dân
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.