Ngày 7/1 Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia (CNR) của Italy công bố các số liệu cho thấy biến đổi khí hậu đã và đang thực sự xảy ra ở nước này khi trong số 30 năm nóng nhất tính từ năm 1800, có tới 25 năm xảy ra sau năm 1990.
>>>Lào Cai: Sông Hồng xuất hiện lũ lớn bất thường trái mùa
Bờ sông Po ở Linarolo, miền bắc Italy. (Nguồn: AFP)
Theo báo cáo của CNR, năm 2018 là năm nóng nhất tại Itay kể từ năm 1800. Nhiệt độ đã tăng 1,58 độ C so với mức trung bình từ năm 1971-2000, phá kỷ lục trước đó ghi nhận năm 2015, khi nhiệt độ tăng 1,44 độ C so với mức trung bình.
Trong năm 2018, các tháng Một và tháng Tư chứng kiến mức nhiệt “khác thường.”
Tháng Một là tháng nóng thứ hai kể từ năm 1800, với mức nhiệt tăng 2,37 độ C so với trung bình, trong khi tháng Tư là tháng nóng nhất từ trước tới nay, khi nhiệt độ tăng 3,50 độ C, cao hơn mức trung bình trong tháng này kể từ năm 1800.
Theo CNR, trong vòng 220 năm trong lịch sử khí hậu Italy, thực tế trên một lần nữa khẳng định rằng nước này đang phải đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu. Trong số 30 năm nóng nhất tính từ năm 1800, có tới 25 năm xảy ra sau năm 1990.
Chuyên gia nghiên cứu khí hậu của CNR, phụ trách Ngân hàng Dữ liệu khí hậu lịch sử của CNR Michele Brunetti nhấn mạnh ý nghĩa của thống kê trên, cho thấy rõ ràng nhiệt độ tăng trong 25 năm kể từ sau năm 1990 không phải là điều ngẫu nhiên. Tương tự, năm 2018 cũng là năm nóng nhất tại Áo (kể từ năm 1760), Thụy Sĩ (kể từ năm 1864), và tại Pháp, Đức kể từ năm 1900.
Theo Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA), xét trên quy mô toàn cầu, năm 2015 là năm đầu tiên nhiệt độ tăng hơn 1 độ C so với mức thời tiền công nghiệp. Báo cáo của EEA tháng 5/2018 cho biết: “Năm 2016 nóng hơn 2015 và là năm nóng nhất.”
Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, cộng đồng quốc tế đã nhất trí hướng tới mục tiêu lâu dài là giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp. Để đạt mục tiêu này, khí thải CO2 sẽ phải giảm 45% vào năm 2030 so với mức năm 2010 và đạt “mức 0” vào năm 2050.
Theo TTXVN