– Dù ở bất cứ nơi đâu, cứ đến ngày diễn ra lễ Hội chợ Viềng thì du khách thập phương cùng nhau trở về với phiên chợ cầu may này với mong muốn bước sang một năm mới bình an, may mắn đến với gia đình và bản thân mỗi người.
“Chợ Viềng năm có một phiên
Em đi trẩy hội chợ Viềng vui xuân”
Về nguồn…..!
Với riêng những người con Nam Định thì lễ Hội chợ Viềng đã thành tục lệ và trở thành nét đẹp truyền thống ở nơi đây. Đến hẹn lại lên, cứ vào mùng 7, mùng 8 tháng Giêng hàng năm, người dân địa phương và du khách thập phương lại nô nức rủ nhau về chơi Hội chợ Viềng. Một phiên chợ cầu may một năm chỉ họp duy nhất một lần; đặc biệt chợ họp chủ yếu từ buổi tối đến sáng sớm hôm sau.
Du khách thập phương trở về với phiên chợ
Ai đến với chợ Viềng cũng đều đinh ninh một ý niệm: mua may bán rủi cho năm mới được bình an, may mắn. Dù là kẻ mua người bán, bất cứ ai đã đặt chân đến chợ đều không đặt nặng vấn đề lời lãi, người bán không nói thách quá cao, người mua không mặc cả quá lời bởi quan niệm những nỗi “băn khoăn” về giá cả sẽ làm mất đi tính tâm linh của phiên chợ này.
Phiên chợ họp vào ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm, nhưng du khách ở các nơi xa thường về từ sớm, rậm rịch họp chợ từ 11, 12 giờ đêm hôm trước, cho đến sáng và hết cả ngày hôm sau. Khách đến từ khắp nơi, trong Nam ngoài Bắc đông nhất vẫn là người dân trong tỉnh sau đến khách các tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá đổ ra. Khách các tỉnh từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Bình đổ về đông nườm nượp. Khách thập phương về hội chợ phần lớn là do nghe danh tiếng của chợ Viềng mà về, nhưng phần đông vẫn là những người có gốc gác hoặc quê quán ở tỉnh Nam Định đi làm ăn xa nay nhớ đất Tổ, đất quê tìm về.
Nét khác biệt…..?
Có lẽ với những ai lần đầu đến với hội chợ Viềng thì không khỏi ngỡ ngàng vì hội chợ ở đây không giống với các hội chợ khác như chúng ta vẫn thường thấy. Tiếng là “hội chợ” nhưng chợ Viềng không bán mua những sản phẩm ngoại lai cao cấp, hào nhoáng đắt tiền như ở các hội chợ tỉnh, thành phố lớn. Sản phẩm được đem ra mua bán ở đây chủ yếu là sản phẩm hay sản vật của nhà nông đó là các cây trồng, vật nuôi: từ cây trồng để lấy gỗ, cây hoa cây cảnh, các loại cây ăn quả, thậm chí cả cây cà, cây chanh, cây ớt. Và sau nữa là đến các vật dụng sản xuất nhỏ của nhà nông. Người ta có thể tìm mua ở đây từ cái cày cái cuốc đến các vận dụng nhỏ như đôi quang thúng, cái đòn gánh, hay những thực phẩm cần thiết cho cuộc sống con người như gạo, thịt, quần áo, giày dép…du khách còn có thể tìm thấy ở đây những bộ tế khí, những chiếc lư hương bằng đồng, cùng trăm ngàn thứ vật dụng linh tinh khác.
Rất nhiều các loại mặt hàng được đem bán
Không chỉ có vậy, khi đến với hội chợ Viềng chúng ta còn có thể thưởng thức thứ thực phẩm rất được người bán cũng như người mua rất ưa chuộng đó là thịt bò non. Nói đúng ra là thịt bê được thui vàng ươm nguyên cả con, bán rất nhiều dọc các ngả đường đi vào chợ. Nhiều ý kiến thắc mắc rằng: Tại sao chợ lại chỉ có thịt bò thui mà lại không có những loại thịt khác. Điều này được các bậc cao niên giải thích, trong những ngày Tết, mọi người đã ngán với các món loại món ăn chủ yếu được làm từ thịt lợn (thịt đông, giò chả…) nên muốn đổi món ăn cho ngon miệng khi đi chợ xuân. Thời xưa, với cư dân nông nghiệp thì thịt bò thui ắt hẳn là “hảo hạng”. Lâu dần thành quen, sản phẩm thịt bò thui cũng là nét đặc trưng của chợ Viềng – Nam Định.
Đến với phiên chợ thì cả người bán và người mua đều rất vui vẻ. Không có việc nói thách hay mặc cả ở đây. Có thể thấy đó là một tục lệ rất đẹp của phiên chợ này. Hình như “sự bán, sự mua” ở đây mang nặng một ý thức tâm linh nào đó – rằng người ta chỉ cần bán hoặc mua được một vật gì đó dù rất nhỏ thì người bán kẻ mua đều gặp nhiều may mắn tốt lành, và cả đôi bên đều cùng vui vẻ ra về đi lễ chùa cầu may cầu lộc.
Như một thói quen chúng ta thường nói rằng: Đi chợ Viềng là để “bán rủi, mua may”. Nhưng nói như vậy là không chính xác, cách nói đó chẳng qua là cách nói thuận miệng. Bởi lẽ, đến với phiên người đem bán với mong muốn bán “cái rủi”, “cái đen”, “cái không may mắn” đi thì làm gì có “cái may”, “cái tốt” để người khách mua và như vậy đâu còn là ý nghĩa cầu may. Mọi người đến với phiên chợ này là để “mua may” và “bán đắt”.
Nhiều người quan niệm, lỡ một phiên chợ Viềng là lỡ cả một năm. Tới phiên chợ đầu xuân này của Nam Định, mới thấy hết được không khí tấp nập, tâm trạng phấn chấn vui vẻ của mọi người.
Từ một phiên chợ của cư dân nông nghiệp, ngày nay những người tới chợ không chỉ là những người nông dân như xưa nữa mà đã bao gồm nhiều ngành nghề khác nhau đến từ nhiều tỉnh thành, sản phẩm cũng vì thế mà đa dạng hơn rất nhiều. Có lẽ chính những điều đó đã góp phần làm nên sức quyến rũ rất riêng của phiên chợ Viềng mỗi năm một lần duy nhất này.
Trải qua những biến đổi của lịch sử, nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng, du lịch tâm linh và hoạt động tín ngưỡng của nhân dân ngày một cao hơn, chợ Viềng – Nam Định đã trở hành điểm giao lưu văn hóa của du khách thập phương về cầu may, mong cho “một năm thuận lợi, cả đời thành công” trên bước đường làm ăn của mình.
Vì vậy, để có một Hội chợ Viềng vui hơn, trở thành động lực tinh thần trong đời sống của người dân Việt, bên cạnh sự cố gắng của các cấp chính quyền rất cần đến ý thức tự giác, hành vi cư xử văn hóa của mỗi người dân địa phương cũng như của du khách thập phương mỗi khi đến với phiên chợ.
(Theo Môi trường và Cuộc sống)