– Trong khi Vườn Quốc gia Côn Đảo đang nỗ lực hết mình để có thể bảo tồn hệ sinh thái khi diện tích san hô đang ngày càng bị thu hẹp thì nhiều du khách ra đảo lại bẻ san hô mang về.
>>> ĐBSCL: 40% diện tích đất sẽ bị “chìm” do biến đổi khí hậu
>>> Vùng núi miền Bắc giảm mưa, nhiệt độ gia tăng
Những bọc san hô bị du khách bỏ lại tại đảo
Ngày 3-4, trên mạng xã hội chia sẻ hình ảnh về một nhóm du khách ngang nhiên bẻ san hô ở Côn Đảo mang về nhưng do hướng dẫn viên thông báo rằng không thể mang lên sân bay nên khoảng 10 túi đựng san hô đã được bỏ lại đảo.
Trong năm 2018, dự án phục hồi san hô trên giá thể nhân tạo đã có 150 bồn với 1.560 cành. Sau 3 tháng cấy ghép các nhành san hô đã nhú mầm từ khoảng 2 cm và dự kiến trong vòng một năm cao 15 đến 20 cm. Sau 2,3 năm sẽ phát triển như những cành san hô bình thường.
Bạn trẻ chia sẻ hình ảnh nói rằng rất bức xúc khi nhìn những bọc san hô vẫn còn tanh, đủ các loại từ san hô gạc, san hô nai, san hô trứng, san hô dĩa. Theo người này thì để phát triển được một cành san hô phải cần rất nhiều thời gian, san hô là nơi để các sinh vật trú ngụ kiếm ăn nên việc làm này không thể chấp nhận được.
Nhiều bình luận của các cư dân ở Côn Đảo cũng đều cho rằng việc du khách bẻ san hô mang về là hành động cần lên án.
Bạn M.D bình luận: “Du lịch Côn Đảo như thế này thì cỡ 3 năm sau những vẻ đẹp mà thiên nhiên, tạo hóa mang lại có còn đâu để mà ngắm”. Bạn đọc này đề nghị Vườn Quốc gia Côn Đảo, ban du lịch, UBND huyện Côn Đảo phối hợp với an ninh sân bay nếu phát hiện ai giấu san hộ cần xử phạt, thậm chí cấm ra đảo nếu nghiêm trọng.
Tài khoản Facebook Libcats chia sẻ: “Cần truy cứu trách nhiệm để có hình phạt thích đáng với người bẻ và cả cơ quan quản lý du lịch nữa. Chứ cứ kêu không biết rồi bẻ là xong sao. Một cây san hô để phát triển được như thế cần bao nhiêu năm ấy chứ”
Bạn Phan Trần Vĩnh gay gắt hơn “Những con người này có bị thần kinh không vậy?! Có tiền, có thời gian đi du lịch sao không dành thời gian ra thu nạp kiến thức!”
Thông qua sự việc này có thể nhận thấy vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên và hệ sinh thái đang là một vấn đề cấp thiết của toàn xã hội. Một số Facebook khác cũng bình luận về vấn nạn này và tự đặt câu hỏi không biết liệu trách nhiệm sự việc này sẽ thuộc về ai. Nhóm khách du lịch hay công ty lữ hành?
Ở một diễn biến khác, theo xác minh của Vườn Quốc gia Côn Đảo, sáng 2-4, có một đoàn khách trước khi trả phòng để bay về đất liền, có đi lại tự do và tắm biển. Trong lúc nước cạn, đoàn đã bẻ san hô để mang về.
Tuy nhiên, khi lên xe để ra sân bay, hướng dẫn viên của đoàn có phát hiện ra vụ việc và yêu cầu đoàn bỏ lại vì không thể mang được lên máy bay. Hướng dẫn viên cũng cho hay các thành viên trong đoàn nói không biết nên mới làm vậy..
Ảnh minh họa
Vườn Quốc gia Côn Đảo có khoảng 2.000 ha san hô bao quanh, có độ phủ san hô rất lớn (khoảng 65%), ít nơi nào có được. Tuy nhiên, dưới tác động của tự nhiên và con người, hệ sinh thái san hô đang bị suy giảm. Từ thực trạng đó, Vườn Quốc gia phối hợp với Viện Hải dương học Nha Trang đang nỗ lực tìm cách cấy ghép san hô.
Ngọc Ánh (t/h)