Khai mạc Đại hội đồng Liên Nghị viện các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 43

Mai Hạ|21/11/2022 13:51
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Sáng nay, ngày 21/11, Đại hội đồng Liên Nghị viện các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 43 (AIPA-43) với chủ đề “Cùng nhau tiến bộ vì một ASEAN tự cường, bao trùm và bền vững” chính thức khai mạc tại thủ đô Phnom Penh (Campuchia). Đây là Đại hội đồng đầu tiên của AIPA được tổ chức theo hình thức trực tiếp sau hơn 2 năm đại dịch COVID-19.

ctich-qh-vdh21.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Phiên họp Ban chấp hành AIPA. 

Chủ đề của Đại hội đồng lần này phù hợp với Chủ đề chung của ASEAN năm nay là “ASEAN hành động cùng ứng phó các thách thức,” thể hiện thông điệp xuyên suốt của AIPA và mong muốn của nước chủ nhà Campuchia đẩy mạnh xây dựng một cộng đồng đồng đều, vững mạnh và bao trùm, phù hợp với tinh thần cốt lõi của ASEAN cùng nhau hướng tới một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng, góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế, thu hẹp khoảng cách phát triển và liên kết khu vực, phát triển nguồn nhân lực, an sinh xã hội, sự tham gia của phụ nữ và thanh niên vào kiến tạo và duy trì hoà bình và phát triển, đẩy mạnh giao lưu nhân dân.

Đại hội đồng AIPA-43 sẽ tập trung thảo luận các vấn đề về hòa bình, an ninh, chủ nghĩa đa phương và vai trò trung tâm của ASEAN; tăng cường ngoại giao nghị viện về an ninh hàng hải, thúc đẩy ổn định khu vực ở Đông Nam Á; thúc đẩy hợp tác nghị viện vì sự tăng trưởng kinh tế bao trùm và bền vững thông qua cách tiếp cận tích hợp các tiêu chí Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG); nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong chuyển đổi kỹ thuật số và thúc đẩy du lịch, phục hồi kinh tế; tăng cường chuyển đổi kỹ thuật số để bảo vệ xã hội toàn diện; tăng cường bảo vệ sức khỏe xã hội để giải quyết các thách thức trong ASEAN; bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ vì sự phục hồi bền vững, bao trùm và tự cường sau COVID-19; nâng cao vai trò của nữ nghị sỹ trong việc đẩy mạnh chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh; phát huy sự tham gia của thanh niên vì một cộng đồng ASEAN thịnh vượng và phát triển bền vững.

Trước khi bước vào phiên khai mạc, tối 20/11, tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các nhà lãnh đạo Quốc hội/Nghị viện thành viên AIPA đã tham dự Phiên họp Ban Chấp hành AIPA.

Tại Phiên họp, Ban Chấp hành AIPA đã thảo luận và thông qua chương trình hoạt động của Đại hội đồng AIPA-43; thành phần Hội nghị Nữ nghị sỹ AIPA, Nghị sỹ trẻ, các Ủy ban Chính trị, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Xã hội, Ủy ban Tổ chức, Đối thoại với Quan sát viên, Thông cáo chung; thời gian và địa điểm tổ chức Đại hội đồng AIPA-44...

Trước đó, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia và dự Đại hội đồng Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 43 (AIPA-43), chiều 20/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã tới thăm Đại sứ quán, gặp gỡ đại diện doanh nghiệp và cộng đồng người Việt Nam tại Campuchia.

Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng, đại diện Hội Khmer-Việt Nam tại Campuchia, Hội doanh nghiệp Việt Nam và đại diện lưu học sinh Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc tại Campuchia đã báo cáo, chia sẻ và đưa ra những đề xuất với Chủ tịch Quốc hội và Đoàn về công tác Đại sứ quán, hoạt động sản xuất kinh doanh, việc học tập của lưu học sinh, về công tác cộng đồng…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ vui mừng trở lại Campuchia và tới thăm Đại sứ quán, gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Campuchia, cũng như được nghe báo cáo của Đại sứ, các ý kiến đóng góp, đề xuất của cộng đồng người Việt Nam tại nước bạn.

Nhấn mạnh đây là chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia lần đầu tiên trên cương vị Chủ tịch Quốc hội Việt Nam khoá XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong khuôn khổ chuyến công tác, Đoàn dự Đại hội đồng Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 43 (AIPA-43) theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Campuchia. Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội của 3 nước (Campuchia, Lào và Việt Nam) ký tuyên bố chung thiết lập cơ chế Hội nghị Chủ tịch ba nước 2 năm 1 lần và luân phiên tổ chức để tăng cường tình đoàn kết 3 nước và đóng góp vào cơ chế khu vực Tam giác phát triển CLV (Campuchia – Lào – Việt Nam).

vdh-gap-kieu-bao-tai-cam.png
Tại cuộc gặp, Chủ tịch Quốc hội mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia tạo điều kiện trong tuyển dụng lao động là người gốc Việt vào làm việc, giúp bà con trong đào tạo kỹ năng lao động, kỹ năng nghề.

Chia sẻ những cảm nhận tốt đẹp trong chuyến thăm chính thức Campuchia, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã nhận được sự đón tiếp trọng thị, nhiệt tình; các cuộc hội đàm, hội kiến với lãnh đạo cấp cao của Campuchia đã đạt nhiều kết quả tốt đẹp.

Tại cuộc gặp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thông báo Việt Nam và Campuchia đã hoàn thành khoảng 84% khối lượng công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới trên đất liền và đang nỗ lực giải quyết nốt 16% còn lại. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hơn 100.000 người Việt tại Campuchia là một cộng đồng có số lượng lớn, có văn hoá tương đồng, gần gũi với Campuchia. Cùng với đó, kim ngạch năm 2021 giữa hai nước đạt 9,5 tỷ USD, dự báo năm 2022 có thể đạt 11 tỷ USD. Việt Nam có 198 dự án đầu tư còn hiệu lực ở Campuchia với tổng vốn đăng ký đạt 2,92 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và trong tốp 5 nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, đây là những là điều kiện rất thuận lợi, đồng thời đề nghị cộng đồng người Việt Nam cũng như doanh nghiệp Việt Nam phát huy những yếu tố lợi thế này.

Chủ tịch Quốc hội chia sẻ với ý kiến của Chủ tịch Hội Khmer-Việt Nam tại Campuchia Sim Chy cho biết cộng đồng người gốc Việt là một cộng đồng còn khó khăn so với các cộng đồng người Việt sinh sống trên thế giới nhưng cũng là cộng đồng nhận được sự quan tâm, giúp đỡ nhiều nhất của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, các tổ chức, doanh nghiệp…

Đề xuất của bà con gốc Việt về địa vị pháp lý, Chủ tịch Quốc hội cho biết Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen trong cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội đã cho biết Campuchia đã có cách tiếp cận mới với vấn đề quốc tịch. Bà con kiều bào có 7 năm sinh sống liên tục tại Campuchia có quyền đề nghị nhập quốc tịch. Chính phủ Campuchia sẽ xem xét và đề xuất với Quốc vương Campuchia về vấn đề này.

Theo Chủ tịch Quốc hội, cũng giống như nhiều địa bàn các nước khác, công tác này không thể giải quyết trong thời gian ngắn mà tuỳ từng điều kiện cụ thể sẽ được giải quyết dần dần theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nhất trong mỗi hoàn cảnh cụ thể.

Về đề nghị hỗ trợ bà con ở theo dọc một số bờ sông, hồ tại Campuchia di dời lên bờ sinh sống, theo Chủ tịch Quốc hội, hiện nay việc di dời người dân nuôi cá trên lồng bè trên sông, hồ, sông suối là chủ trương đúng để bảo vệ môi trường, để phát triển bền vững. Tuy nhiên, công tác này cũng cần phải có lộ trình và tạo kiều kiện nơi tái định cư với những điều kiện cơ bản, tối thiểu.

Trong chuyến thăm chính thức Campuchia lần này, Chủ tịch Quốc hội đã đề xuất với Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Thượng viện, Thủ tướng Campuchia vấn đề đảm bảo sinh kế cho bà con. Trong cuộc hội kiến với Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen sáng 20/11, Thủ tướng Campuchia hoàn toàn đồng ý chủ trương kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam phối hợp với bạn để đầu tư dự án nuôi trồng thuỷ sản trên cạn, để không chỉ cho bà con gốc Việt mà cả người dân Campuchia có điều kiện, có sinh kế. Thủ tướng Campuchia còn đưa ra ý kiến về việc hỗ trợ trong sản xuất thức ăn chăn nuôi thuỷ sản, gia súc. Từ đó tạo công ăn việc làm cho người dân và tạo điều kiện phát triển nông nghiệp cho Campuchia… Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, các cơ quan hữu quan của Việt Nam sẵn sàng hợp tác, chuyển giao công nghệ cho Campuchia cùng với chia sẻ kinh nghiệm trong công tác nuôi cá bè trên sông, hồ kết hợp du lịch khi có điều kiện phù hợp cảnh quan, môi trường…

Tại cuộc gặp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã có những chia sẻ về tầm quan trọng của việc duy trì tiếng Việt, tiếng Khmer trong cộng đồng; đồng thời bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ kế hoạch của Đại sứ quán, các hội đoàn người Việt tại Campuchia trong công tác này.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia tạo điều kiện trong tuyển dụng lao động là người gốc Việt vào làm việc, giúp bà con trong đào tạo kỹ năng lao động, kỹ năng nghề. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, với tinh thần chủ động, sáng tạo, cần cù, “càng khó khăn càng bứt phá vươn lên”, bà con ngày càng nỗ lực vươn lên, ổn định và phát triển.

Đánh giá bà con luôn cao tinh thần đoàn kết, gắn bó, hướng về quê hương, đất nước, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời, một nguồn lực của cộng đồng dân tộc và nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội thông báo một số nét lớn của Kết luận số 12-KL-TW của Bộ Chính trị mới được ban hành ngày 12/8/2021 về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện để đồng bào hướng về quê hương. Bên cạnh đó, Kết luận 12 khẳng định việc tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; triển khai các biện pháp tổng thể chăm lo, hỗ trợ kiều bào…

Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ những nỗ lực của Quốc hội trong công tác ngoại giao nghị viện để thúc đẩy đối ngoại nhân dân, trong đó có việc tăng cường phối hợp, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa các đại biểu Quốc hội/nghị sĩ hai nước, những người thuộc đội ngũ thực thi chính sách để tăng cường giao lưu, hiểu biết lẫn nhau, góp phần phát triển quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa Việt Nam và Campuchia cũng như ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội cũng đã thông tin với cán bộ Đại sứ quán, cộng đồng người Việt Nam ở Campuchia tình hình trong nước, trong đó về kết quả kinh tế-xã hội 9 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP đạt 8,83%, cao nhất từ 2011 đến nay. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát chỉ tăng 2,72% cùng kỳ năm trước… Nhấn mạnh trong điều kiện diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, nhiệm vụ trong năm nay và 2023 được Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV tiếp tục khẳng định giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong mọi tình huống; về việc nêu cao tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, phát huy tinh thần tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành cao nhất Kế hoạch năm 2022 và 2023…

Trong không khí đầm ấm, thân tình, Chủ tịch Quốc hội đã chia sẻ với bà con về thúc đẩy “khát vọng hùng cường” để xây dựng đất nước giàu mạnh với các cột mốc cụ thể, 100 năm thành lập Đảng (năm 2030), 100 thành lập nước (năm 2045) được nêu trong các văn kiện tại Đại hội XIII của Đảng. Chủ tịch Quốc hội mong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cùng trong nước hiện thực hoá khát vọng này; đồng thời bày tỏ mong muốn cộng đồng người Việt Nam ở Campuchia tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau; tuân thủ các quy định pháp luật của sở tại, tô đẹp hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, tiếp tục đóng góp tâm huyết và trí tuệ cho công cuộc phát triển đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng thời biểu dương đánh giá cao nỗ lực của Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia trong bảo hộ công dân, đồng thời trao tặng Quỹ hỗ trợ di dời bà con người Việt sinh sống vùng hồ, sông lên bờ sinh sống món quà trị giá 30.000 USD, Văn phòng Quốc hội tặng 5.000 USD tặng Hội Khmer-Việt Nam tại Campuchia.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai mạc Đại hội đồng Liên Nghị viện các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 43