Mỗi năm cả nước ước tính có khoảng 9.000 lễ hội lớn nhỏ rải rác khắp mọi miền Tổ quốc. Hầu hết các lễ hội đều diễn ra vào mùa xuân, nhiều nhất là vào tháng Giêng, đó là một nghi thức tâm linh thiêng liêng của các tầng lớp nhân dân và cũng để đón du khách thập phương về tham quan, chiêm bái lễ hội của Việt Nam.
>>> Tp.HCM: Vắng bóng người mua tại các chợ hoa Tết
>>> Hà Nội: Không để người dân nào lỡ xe, nhỡ chuyến dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019
Lễ hội Bà chúa Xứ, An Giang
Mùa Xuân mùa của trăm hoa đua nở và cũng là mùa của những lễ hội lớn trải dài từ Bắc vào Nam. Ông bà ta xưa có câu:
“Tháng Giêng ăn Tết ở nhà,
Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè.”
Những ngày đầu xuân mới trong không khí vui tươi phấn khởi của thiên nhiên đất trời, trên khắp cả nước có rất nhiều những lễ hội truyền thống được mở ra để thực hiện nghi thức tâm linh thiêng liêng của các tầng lớp nhân dân và cũng để đón du khách thập phương về tham quan, chiêm bái. Ngày nay, dù bộn bề công việc nhưng người Việt vẫn thu xếp thời gian để hòa mình vào những lễ hội khắp mọi miền Tổ quốc. Đi chơi mùa lễ hội để cảm nhận được không khí náo nức, để được sống lại những khoảnh khắc quá khứ truyền thống được tái hiện.
Một danh sách lịch khai hội đầy đủ và sắp xếp khoa học sẽ rất hữu ích cho những ai yêu thích du xuân đầu năm, nhất là khi chúng ta không chủ động đi lễ nhưng lại có dịp ghé qua một vùng đất nào đó.
Lễ hội mùa xuân nổi tiếng ở miền Bắc
Lễ hội chùa Hương (Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội)
Lễ hội được tổ chức từ mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch. Đây là một trong những lễ hội đông và kéo dài nhất ở Việt Nam. Chùa Hương là nơi tập hợp nhiều động, chùa trong một tổng thể cấu trúc kết hợp với thiên nhiên nhân tạo bao gồm đồi, núi, hang động, suối rừng và chùa, tháp…Du khách đến chùa Hương không chỉ được tham gia vào hành trình về cõi Phật mà còn được đắm mình trong không gian của non nước mênh mông với hàng giờ ngồi thuyền ngắm cảnh.
Để vào được chùa trước hết du khách phải ngồi thuyền xuôi dòng suối Yến thơ mộng, hòa mình cùng làn nước trong xanh. Trên đường đi thuyền vào chùa bạn sẽ được chiêm ngưỡng phong cảnh tuyệt đẹp núi non, sông nước tuyệt đẹp. Đền Trình – Chùa Thiên Trù – Động Tiên Sơn – Chùa Giải Oan – Đền Trần Song – Động Hương Tích – Chùa Hinh Bồng là những địa điểm không thể bỏ qua được khi tới chùa Hương.
Vãn cảnh chùa Hương đầu năm không chỉ để cảm nhận không khí thanh tịnh, yên bình mà còn để cầu may mắn cho một năm mới an lành.
Ảnh minh họa
Gò Đống Đa (Hà Nội)
Lễ hội diễn ra vào ngày mùng 5 Tết. Từ sau ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), lễ hội gò Đống Đa được coi là ngày hội Đống Đa truyền thống, trở thành quốc lễ. Đây là lễ hội chiến thắng được tổ chức để tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng của vua Quang Trung.
Chùa Đồng Quang gần gò Đống Đa là nơi diễn ra lễ cầu siêu, dâng hương tưởng nhớ công ơn của những anh hùng, nghĩa sĩ đã vì dân, vì nước.
Khai ấn đền Trần (Nam Định)
Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, thường từ ngày 13 đến 15 tháng Giêng hàng năm. Đây là một trong những lễ hội đầu xuân nổi tiếng nhất Việt Nam nhằm tri ân công đức các vị vua Trần.
Hội mở đầu bằng lễ khai ấn bắt đầu từ giờ Tý (giữa đêm). Ấn được phát tại 3 nhà là nhà Giải Vũ, nhà trưng bày đền Trùng Hoa và một điểm trong khu vực vườn cây đền Trần. Gần đây, ngày càng nhiều người tới hành lễ tại đền Trần vào dịp hội với mong muốn năm mới thành đạt và phát tài.
Yên Tử (Quảng Ninh)
Lễ hội bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng kéo dài hết tháng 3 âm lịch. Yên Tử không chỉ nổi tiếng với cảnh đẹp, tháp cổ, chùa mà còn là nơi hình thành thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Đây cũng là trung tâm Phật giáo Việt Nam. Du khách đổ về Yên Tử (Quảng Ninh) để được chạm tới ngôi chùa làm bằng đồng nằm trên đỉnh non thiêng.
Giỗ Tổ Hùng Vương (Tp. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ)
Khu di tích lịch sử Đền Hùng thuộc Tp. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ là một trong những lễ hội đầu xuân nổi tiếng không nên bỏ qua, được tổ chức kéo dài 6 ngày từ ngày mùng 5 đến ngày 10/3 âm lịch. Lễ hội là dịp tưởng nhớ lòng biết ơn công lao to lớn của các vua Hùng đã có công dựng nước. Nghi lễ bao gồm hai phần chính là lễ rước kiệu vua và lễ dâng hương. Bên cạnh đó, lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như hát xoan, thi đấu vật, thi bơi, thi kéo co…
Lễ hội mùa xuân nổi tiếng ở miền Trung
Đền vua Mai (Nam Đàn, Nghệ An)
Lễ hội diễn ra từ mùng 3 đến mùng 5 Tết. Đây là lễ hội tổ chức thường niên nhằm tưởng nhớ vua Mai Hắc Đế. Vua tên thật là Mai Thúc Loan, sinh ra và lớn lên tại xã Đông Liệt (nay là xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, Nghệ An).
Làng Sình (Huế)
Lễ hội diễn ra vào ngày 9 đến 10 tháng Giêng, là hội vật truyền thống mang nét văn hóa đặc sắc của xứ Huế.
Lễ hội không chỉ mang yếu tố tâm linh truyền thống mà còn là một hoạt động vui, khỏe đầy tinh thần thượng võ, kích thích việc rèn luyện sức khỏe, lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí, nhất là với lớp trai trẻ.
Lễ hội mùa xuân nổi tiếng ở miền Nam
Núi Bà Đen (Tây Ninh)
Là một trong những lễ hội mùa xuân lớn nhất phía Nam diễn ra từ mùng 4 Tết, Núi Bà Đen được đánh giá là vùng đất tâm linh vào hàng bậc nhất tại khu vực phía Nam. Hàng năm từ chiều 30 Tết Nguyên đán đến suốt tháng Giêng, tháng Hai âm lịch, đặc biệt là ngày rằm tháng Giêng du khách đổ về hành hương, lễ bái và tham quan rất đông tại núi Bà Đen.
Trên đường leo núi du khách có thể dừng chân tại đền Linh Sơn Thánh Mẫu hoặc Miếu Sơn Thần. Du khách trẩy hội Bà Đen để cầu hộ, giải tỏa nhu cầu tâm linh và cũng là dịp ngắm phong cảnh hùng vĩ của núi Bà Đen.
Lễ hội Bà Chúa Xứ (Châu Đốc, An Giang)
Lễ hội Bà Chúa Xứ là một trong những lễ hội lớn nhất miền Tây Nam Bộ, được tổ chức hàng năm bắt đầu từ đêm 23/4 đến 27/4 âm lịch tại Miếu Bà Chúa Xứ thuộc phường Núi Sam (trước là xã Vĩnh Tế), thị xã Châu Đốc tỉnh An Giang. Đây là dịp để tỏ lòng thành kính và biết ơn Bà Chúa Xứ, vị thần được suy tôn là bà mẹ của xứ sở Châu Đốc.
Lễ hội Bà Chúa Xứ bao gồm năm lễ: Lễ tắm Bà, Lễ thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu về Miếu Bà, Lễ Túc Yết, Lễ xây chầu, Lễ Chánh tế. Bên cạnh các nghi lễ còn có những hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian cũng được biểu diễn như múa mâm thao, múa đĩa chén, múa lân…
Trên đây là phần tập hợp lịch khai hội, một số lễ hội tháng Giêng truyền thống từ Bắc vào Nam. Chúng ta hãy cùng tham khảo và chọn cho mình những điểm đến thích hợp nhất cho chuyến du xuân thêm thú vị và ý nghĩa. Tất nhiên, hãy tham dự lễ hội với sự thành tâm, phát huy những nét đẹp truyền thống của ông cha.
Anh Thư