San hô trúc có tên khoa học là Isis hippuris. Trên thế giới, san hô trúc phân bố ở các đảo thuộc trung tâm Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương. Ở Việt Nam, loài san hô này phân bố ở quần đảo Trường Sa.
San hô trúc có dáng bụi trúc, đầu các nhánh hơi phình to, vỏ rất dày, trục phân đốt, các đốt màu đen bằng chất sừng thường nhỏ và ngắn xen với các đốt màu trắng bằng canxi to và dài hơn. Trên trục của san hô trúc có các gân chạy dọc, gân nổi rất rõ trên các đốt màu trắng.
San hô trúc. Ảnh vncreatures
Vỏ rất dày, nhất là ở đầu nhánh. Trâm xương trong vỏ dạng hình sao, dài 0,2mm có các nốt nhỏ, một số dạng không quy luật đường kính 0,1mm. Trục mập ở gốc và các cành chính, nhỏ dần ở các cành bên và mảnh ở các nhánh ngọn. Trục phân đốt, các đốt màu đen bằng chất sừng thường nhỏ và ngắn xen với các đốt màu trắng bằng canxi to và dài hơn. Trên trục có các gân chạy dọc, gân nổi rất rõ trên các đốt màu trắng. Mẫu sống màu nâu nhạt.
San hô trúc hiện đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam. Ảnh alicdn
Ở Việt Nam loài này mới chỉ thấy có ở quần đảo Trường Sa, diện tích phân bố hẹp. Trước năm 1990, số lượng còn khá nhiều, rất dễ tìm gặp, nhưng gần đây do khai thác nhiều làm đồ lưu niệm và đưa vào bờ làm hàng mỹ nghệ nên số lượng bị giảm sút nghiêm trọng, đặc biệt ở vùng nước nông.
Đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam (1992 – 2000). Trước mắt cần cấm khai thác một thời gian khoảng 5 năm để phục hồi nguồn lợi. Cần đầu tư nghiên cứu sinh học làm cơ sở đề xuất việc khai thác hợp lý, phát triển bền vững nguồn lợi.
Mộc An (t/h)